Doanh nghiệp khởi nghiệp “biến nguy thành cơ” trong dịch

Dịch COVID-19 càng diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) điêu đứng và thậm chí phá sản. Từ thực tế này, nhiều giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các chương trình miễn phí nhằm giúp sức cho startup “vượt bão COVID-19” đã ra đời.

Bước tiếp trong khó khăn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế của nhiều doanh nghiệp startup, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới. Doanh nghiệp startup dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn.

Đại diện Bon Bon – một startup trẻ trong ngành Du lịch từng chia sẻ, khách hàng của Bon Bon chủ yếu là người nước ngoài muốn đến Hà Nội và trải nghiệm sâu đời sống, văn hóa của người dân thủ đô. Việc các đường bay quốc tế đến Việt Nam bị tạm dừng và Chính phủ ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài khiến Bon Bon phải dừng các dịch vụ, hoàn trả phí cho khách đã book từ trước. Mặc dù trước đó, mỗi ngày startup nhận được khoảng 15-25 khách hàng giờ đây đã trở thành con số 0.

Trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Mới đây, CEO kiêm nhà sáng lập JobHopin Kevin Tùng Nguyễn (start-up tuyển dụng bằng AI) chia sẻ khi dịch bùng phát, đã tác động mạnh mẽ đến khách hàng ở nhiều ngành nghề lĩnh vực. Nhưng cũng có những lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ… lại ít bị ảnh hưởng. JobHopin đã tập trung vào những khách hàng của nhóm và đẩy mạnh phát triển trên môi trường trực tuyến. Do đó, startup này vẫn phát triển vượt trội trong năm COVID vừa qua.

Bên cạnh đó, Abivin – một starup chuyên cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực cũng đạt được kết quả tăng trưởng tốt trong năm qua. CEO kiêm nhà sáng lập Abivin Phạm Nam Long cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của COVID- 19 nhưng Abivin vẫn đạt tăng trưởng dương. Trong 5 tháng đầu năm đã tăng trưởng gấp đôi và mục tiêu trong năm 2021 sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với năm trước.

Các công ty startup Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi, nhất là startup công nghệ

Nhiều giải pháp hỗ trợ hướng về startup

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam, do NIC và quỹ Do Ventures phát hành, các công ty khởi nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi. Theo đó, thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của COVID-19, các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển bởi khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.

Báo cáo cũng chỉ ra, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 đạt 451 triệu USD. Số lượng các khoản đầu tư năm 2020 giảm không đáng kể ở mức 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm – con số tương đương với cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II trở đi. Trong đó, nguồn vốn ổn định vào các startup giai đoạn đầu đặc biệt quan trọng.

Đây là chỉ số cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay.

Vì vậy, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho starup. Mới đây, Qũy khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation (SVF) công bố chương trình hoàn toàn miễn phí dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cải thiện kết quả bán hàng, thúc đẩy doanh số với sự hỗ trợ về kiến thức và công cụ bởi mạng lưới cố vấn, đối tác trong nước và quốc tế…để giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua được khủng hoảng của dịch bệnh.

Hay tới đây, chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch – dịch vụ Vietnam Tourism Startup (VTS) sẽ tiếp tục được diễn ra từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022. Chương trình bao gồm lộ trình 4 tháng phát triển năng lực hành động, vận hành doanh nghiệp, phát triển thị trường (tháng 7 – tháng 10/2021) và 6 tháng còn lại để kết nối nguồn lực, gọi vốn đầu tư. Chương trình được triển khai trên toàn Việt Nam, ưu tiên cho các startup và doanh nghiệp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, miền Trung và các thành phố du lịch lớn.

Các startup Việt Nam mặc dù có lợi thế về ý tưởng và công nghệ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị phần. Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, kết nối, chưa có nhiều nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp dành cho việc phát triển và hỗ trợ các startup…

Hành lang pháp lý cho doanh nghiệp cũng đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp.

“Chúng tôi tin rằng, với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi”, báo cáo này nhấn mạnh”, báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam khẳng định.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnHương Giang/ Thời báo Ngân hàng
Bài cùng chuyên mục