Tân Long Group – từ ông trùm buôn gạo cho tới ông bầu bóng đá nhưng kinh doanh thì trồi sụt
Tăng trưởng doanh thu thần tốc trong 5 năm liền, vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng vào năm 2020, song hiệu quả kinh doanh của Tân Long Group chỉ mang tính tượng trưng, thậm chí là lỗ nặng.
Sông Lam Nghệ An, một trong những câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống nhất Việt Nam sẽ chia tay nhà tài trợ chính Ngân hàng Bắc Á sau gần 12 năm gắn bó. Đơn vị tài trợ thay thế là Tập đoàn Tân Long.
Tập đoàn của doanh nhân Trương Sỹ Bá xác nhận đang trong quá trình làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, các đơn vị liên quan về việc chuyển giao và tiếp nhận CLB này. Giá trị chưa được tiết lộ song Tân Long cho biết sẽ đồng hành cùng SLNA trong bản hợp đồng lớn chưa từng có trong lịch sử đội bóng.
Trước đó, thương hiệu Gạo A An – Sản phẩm của Tập đoàn Tân Long cũng đã trở thành Nhà tài trợ vàng cho CLB Bóng đá Hà Nội.
Quyết định bất ngờ của Tân Long đưa tập đoàn này gia nhập vào danh sách những “ông bầu” của làng bóng đá, đứng chung sân với những cái tên đình đám như: T&T Group của Bầu Hiển, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức, Đồng Tâm Long An của Bầu Thắng…
Quyết định cũng khiến cái tên Tân Long, một tập đoàn có phần kín tiếng trên thị trường, thu hút sự quan tâm.
“Ông trùm” về buôn gạo
Tân Long tiền thân là CTCP Hoá chất Công nghiệp Tân Long được thành lập từ năm 2006. Quá trình hình thành và phát triển của Tân Long gắn liền với vai trò của Chủ tịch Trương Sỹ Bá. Vị doanh nhân sinh năm 1967 xuyên suốt thời gian dài là người đứng đầu và cổ đông lớn, duy trì tỷ lệ nắm giữ 88% tại Tân Long Group.
Trong bốn năm gần đây, Tân Long tăng vốn thần tốc, từ 500 tỷ lên 2.200 tỷ đồng, đi cùng với đó là sự mở rộng trong hoạt động kinh doanh nông sản, trọng tâm là xuất khẩu gạo.
Năm 2016, Tân Long bắt đầu cung cấp gạo chất lượng cao cho Hàn Quốc với giá từ 700-1.000 USD/tấn, cao hơn giá gạo thường của Việt Nam khoảng 200-300 USD/tấn. Hai năm sau, Tân Long gây tiếng vang lớn khi vượt qua các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng 2 gói thầu, cung cấp 110.000 tấn gạo Japonica cũng cho Hàn Quốc.
Để cung cấp số lượng lớn gạo Japonica, Tân Long đã bao tiêu vùng nguyên liệu ở Tri Tôn (tỉnh An Giang). Đợt hàng thứ hai năm 2017 với quy mô gấp 10 lần đợt đầu mang về cho Tân Long lợi nhuận khoảng ba triệu đô la Mỹ.
Năm 2019, Tân Long tiếp tục gây chú ý với hợp đồng thương mại mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania, chiếm tới 18% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam trong năm theo thống kê của tổng cục Hải Quan.
Những hợp đồng quy mô lớn là bước đệm đẩy doanh thu của Tân Long tăng vọt những năm gần đây.
Năm 2017, doanh thu của Tân Long lần đầu cán mốc tỷ USD. Năm 2018 – 2019, con số này tăng lên trên 38.000 tỷ đồng và đến năm 2020 đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng.
Để dễ so sánh, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo – có doanh thu hợp nhất 16.826 tỷ đồng vào năm 2019, chưa tới một nửa so với riêng kết quả kinh doanh riêng lẻ của Tân Long Group.
Lợi nhuận thụt lùi khó hiểu
“Làm gạo chưa ai lãi như vậy,” ông Trương Sỹ Bá nói trong lần phỏng vấn Forbes.
Con số lãi này được các chuyên gia lý giải là do mức giá cao hơn trung bình mà Tân Long đạt được với các hợp đồng lớn. Với con số như vậy, tưởng chừng lợi nhuận của Tân Long sẽ nằm trong nhóm đứng đầu. Tuy nhiên, con số thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Trái ngược với doanh thu, hiệu quả kinh doanh của Tân Long lại là điều đáng bàn.
Năm 2019, tập đoàn này báo lỗ sau thuế tới 493 tỷ đồng, xét cho cả giai đoạn 2016-2019, Tân Long chỉ có lãi mỏng 39 tỷ đồng năm 2016 và 29 tỷ đồng năm 2018, xen giữa là năm 2017 cũng lỗ khá lớn 277 tỷ đồng.
Năm 2020, dù doanh thu tăng vọt lên trên 50.000 tỷ, hoạt động công ty cũng mở rộng theo mô hình 3F tiên tiến, nhưng lợi nhuận của Tân Long Group chỉ vỏn vẹn 51 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung giai đoạn 2016 – 2020, Tân Long thực tế là âm lợi nhuận 650 tỷ đồng, một con số tương đối bất ngờ với một doanh nghiệp tầm cỡ như Tân Long.
Có lẽ vì kết quả kinh doanh thua lỗ nặng nề, đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Tân Long vẫn chưa về bằng với mức vốn góp ban đầu, chỉ gần 2.000 tỷ so với vốn góp 2.200 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Tân Long thậm chí co về còn hơn 900 tỷ đồng, thấp hơn 1.300 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu.