Thuốc giả là nỗi ám ảnh đối với nhiều người bệnh Việt Nam

Nhiều vụ thuốc giả, thuốc kém chất lượng được các cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua khiến người dân bất an với chất lượng thuốc, là nỗi ám ảnh đối với nhiều người bệnh.

 

Theo thống kê từ Bộ Y tế, toàn quốc đang có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S; thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Với thành quả trên, thuốc nội đang khẳng định vị thế trên thị trường, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện cũng tăng đáng kể. Năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tăng hơn 63%; đạt hơn 50% tại hơn một số tỉnh, thành ví dụ: tỉnh Phú Yên chiếm tỷ lệ từ 83,13% (năm 2015) đến 87% (năm 2018); các Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm trên 70% (năm 2018)…

Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế phát động tới hôm nay tròn 10 năm. Nếu năm 2013 tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước bình quân chiếm gần 47% thì sau 10 năm con số này đã tăng lên gần 64%. Trị giá thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho người dân.

Đây là con số đáng mừng cho thấy thuốc nội đã dần có chỗ đứng, nhiều người bệnh tiết kiệm được rất nhiều tiền, nhất là các vùng nông thôn miền núi kinh tế khó khăn. Thế nhưng, vẫn là câu hỏi trăn trở với người dân, liệu thuốc nội rẻ hơn, được chú ý hơn nhưng chất lượng thì có tốt và hiệu quả điều trị như thế nào so với thuốc ngoại.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều vụ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã và đang được các cơ quan chức năng phát hiện. Tiền mất, tật mang nhưng người bệnh vẫn khó lòng an tâm với chất lượng thuốc và thuốc giả thực sự là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Ví dụ điển hình là vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa trị ung thư Vinaca làm từ bột than tre của Công ty Vinaca bị cơ quan chức năng phát hiện gần đây đã khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng lẫn bức xúc.

Đáng nói là hơn 20 chi nhánh của Công ty TNHH Vinaca có mặt tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cùng nhiều tấn sản phẩm hỗ trợ chữa trị ung thư giả.

Không ai biết rõ, đã có bao nhiêu người bệnh từng sử dụng sản phẩm độc hại này. Thuốc giả vẫn còn là nỗi ám ảnh chưa dứt với người bệnh. Người bệnh khó lòng an tâm với chất lượng thuốc, khi mà việc kiểm soát dược phẩm ở nước ta thực chất chỉ thiên về hậu kiểm.

Cơ quan chức năng cảnh báo, các nhóm thuốc bị làm giả phổ biến nhất hiện nay là nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc trị một số bệnh đường tiêu hóa, cùng một số thực phẩm chức năng.

Tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện và tuyến tỉnh đã tăng lên so với trước đây. Ảnh minh họa

Theo nhiều chuyên gia y tế, để ngăn chặn vấn nạn này, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp theo dõi và ngăn chặn kịp thời thuốc giả để tránh lưu hành rộng rãi trên thị trường, các quy định pháp luật về xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả cần chặt chẽ để đủ sức răn đe với loại hình tội phạm này.

Theo Thanh Lâm/ Công Luận

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục