Bà Lê Diệp Kiều Trang: “Tốc độ tại các công ty công nghệ là rất quan trọng, chúng tôi không thể chờ chính sách thay đổi”

Founder của quỹ Alabaster đề xuất các chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thời gian gần đây là rất đáng quý nhưng phải đồng bộ và thông suốt từ câu chuyện của Avero.

Chiều nay, Ban điều hành Đề án 844 (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức ký kết thoả thuận hợp tác nhằm kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Taị sự kiện, các chuyên gia công nghệ quốc tế, các startup công nghệ Việt Nam đã trưởng thành trên thế giới với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, qua đó tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính Arevo, nhà sáng lập Alabaster đã có bài trình bày về tự động hoá và AI áp dụng tại Việt Nam.

Mở đầu phần trình bày, bà Trang đưa ra các con số đặt ra câu hỏi rất thú vị.

“Nếu nhìn vào chỉ số phát triển con người của Việt Nam (HDI) thì chúng ta đang đứng vị trí 118 trên thế giới, nhưng xếp hạng OECD về nền giáo dục Việt Nam trên khía cạnh Toán, khoa học và đọc hiểu thì Việt Nam xếp hạng thứ 12. Nếu xếp hạng GDP đầu người của Việt Nam trên thế giới xếp hạng 135 trong khi xếp hạng thành tích của Việt Nam tại các kỳ Opympic Toán quốc tế lúc nào cũng trong Top 10. Như vậy, chúng ta có nguồn lực về con người đặc biệt trong lĩnh vực toán và khoa học kỹ thuật”, bà Trang kết luận.

Với 10 năm kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, Lê Diệp Kiều Trang và chồng là ông Sonny Vũ đã mang vốn và công nghệ từ nước ngoài về, còn con người thì “đặt niềm tin vào con người Việt Nam”.

Bà Trang đưa ra câu hỏi, vậy sử dụng AI, trí tuệ nhân tạo vào Việt Nam có phù hợp hay không, yếu tố con người đóng vai trò như thế nào, có lấy đi cơ hội con người hay không?

Trả lời câu hỏi này, bà Trang đã chia sẻ về câu chuyện của 2 công ty trong danh mục đầu tư của Alabaster hoạt động tại Việt Nam, cùng đầu tư vào AI và tự động hoá, trong đó Arevo hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất còn Harrison.ai hoạt động trong ngành y khoa.

Arevo là công ty từ thung lũng Silicon, tập trung vào lĩnh vực sản xuất in 3D, Arevo thành lập năm 2013, có công nghệ có thể in ra sản phẩm lên tới 1m khối. Arevo đã huy động được 57 triệu USD, công nghệ in 3D giúp sản xuất nhanh hơn 500 lần và chi phí giảm 20 lần. Trí tuệ nhân tạo giúp giảm thời gian thiết kế từ 18 tháng xuống 18 ngày.

Trí tuệ nhân tạo giúp giảm thời gian thiết kế từ 18 tháng xuống 18 ngày.

“Bài toán lớn nhất mà lĩnh vực in 3D giải quyết là làm sao từ thiết kế đến sản xuất hàng loạt rất nhanh chóng, ngành công nghiệp suất trong 50 năm vừa rồi không có bước phát triển đột phá vì phụ thuộc vào khuôn, còn công nghệ in 3D chỉ cần 1 máy có thể sản xuất rất nhiều sản phẩm khác nhau với tốc độ và giá thành tốt hơn rất nhiều. Chúng ta có thể vận dụng AI vào thiết kế sản xuất và tự động, thuật toán có thể tính toán thiết kế, nếu sản xuất bằng nhôm hàng không thì rất to, còn nếu in bằng sợi thép carbon sẽ có hình dáng nhỏ gọn nhưng đảm bảo độ an toàn”, bà Trang trình bày.

Cách đây chưa đầy 1 năm, Avero đã đưa công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới về Việt Nam, và quyết định xây nhà máy ở quận 9 HCM. “Nhà máy này có setup rất khác các nhà máy sản xuất thường thấy, ở đó không có các line dây chuyền sản xuất mà toàn robot sản xuất ra bằng cách in 3D, các robot này được nối với nhau lên cloud giúp nhà máy tự động hoá nhiều, sản xuất ra với tốc độ và độ chính xác cao”, bà Trang chia sẻ.

Sau 1 năm vận hành ở Việt Nam, bà Lê Diệp Kiều Trang nhận ra rằng, “với tự động hoá và AI, ngành công nghiệp sản xuất có bước đột phá lớn hơn rất nhiều thay vì chúng ta dùng ngành truyền thống. Việt Nam có lợi thế, chúng ta tận dụng được thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất từ trước tới giờ”.

Với Harrison AI, công ty này được sáng lập bởi 2 anh em người Việt là du học sinh tại Úc và ở lại Úc. Đề bài đặt ra là làm sao tận dụng được chi phí tính toán dựa vào bigdata. Sau đó 2 du học sinh Úc đã tập trung vào lĩnh vực chuẩn đoán y tế và đưa ra sản phẩm đầu tiên là annalise.ai – công cụ sử dụng AI để chuẩn đoán hình ảnh xquang lồng ngực. Harrison có hợp tác với một tổ chức tại Úc và họ có lượng big data hình ảnh y khoa của nhiều người bệnh tại Úc. Harrison đã xây dựng đội ngũ 150 bác sĩ chuẩn đoán ở Việt Nam, chủ yếu tại TP.HCM để dạy máy, trong 1 năm các bạn đã cho ra đời sản phẩm đầu tay là ứng dụng đọc phim Xray lồng ngực. Theo chia sẻ của bà Trang, các sản phẩm tương tự trên thị trường chỉ chuẩn đoán được 21 loại bệnh còn Annalise.ai của các bác sĩ tại Việt Nam có thể chuẩn đoán được 124 loại bệnh, sản phẩm này được công nhận và cho lưu hành ở các bệnh viện tại Úc, Châu Âu, đang chờ được sử dụng tại Mỹ.

“Quay lại câu hỏi liệu trí tuệ nhân tạo và tự động hoá phù hợp ở Việt Nam hay không? Tôi cho rằng là có”, bà Trang nhận định.

Theo bà Trang, Việt Nam là nước hiếm hoi trong khu vực có 2 nguồn lực con người cùng lúc, đó là nguồn lực trình độ có kỹ thuật và lao động cơ bản dồi dào. “Nếu chúng ta nhìn sang Indonesia, họ có nguồn lao động dồi dào nhưng không có trình độ kỹ thuật, Singapore có trình độ kỹ thuật nhưng nguồn lao động cơ bản dồi dào không nhiều. Trong khi đó, nguồn nhân lực trí thức Việt Nam có khả năng ứng dụng Ai vào trong nhiều lĩnh vực”, bà Trang tin tưởng vào nguồn lực của Việt Nam các năm tới.

Bà Trang cho rằng, cho dù nói về robot, về tự động hoá thì thế giới 10-20 năm tới chưa vận hành hoàn toàn bằng AI, Robot, mà vẫn còn cần kết hợp với con người. Nên việc phối hợp công nghệ với con người và sử dụng con người là lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cả hai. “Nếu phát triển công nghiệp sản xuất mà không tự động hoá hay AI thì không thể cạnh tranh với các nước có lao động giá rẻ khác. Nếu tập trung hoàn toàn vào robot, AI thì chúng ta còn đi sau rất nhiều nước phát triển khác”, bà Trang nhận định.

Kết luận bài trình bày, bà Trang đưa ra đề xuất về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

“Chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển tại Việt Nam rất đáng quý nhưng chưa đồng bộ. Bộ KHCN có ủng hộ nhưng tôi vướng nhiều chính sách khác nhau khi đụng tới các vấn đề khác nhau. Công ty Arevo được cấp giấy phép vào khu công nghệ cao TP.HCM thì chúng tôi đủ đủ điều kiện và chúng tôi đăng ký kinh doanh theo yêu cầu Quyết định số 66/2014 với loại hình hoạt động là “Dịch vụ in 3D từ sợi Carbon”. Tuy nhiên trong quá trình triển khai và vận hành, khi gặp hải quan thì họ cho rằng “dịch vụ in 3D từ sợi carbon” không phải là “sản xuất in 3D từ sợi carbon”, mà nếu không có chữ “sản xuất” thì các thủ tục mua bán xuất khẩu sẽ không thực hiện được. Nên các ưu đãi từ khu công nghệ cao TP.HCM chúng tôi không thể sử dụng được nên giải pháp tình thế là chúng tôi xây dựng nhà máy khác ở khu chế xuất Linh Trung và hoạt động như một công ty chế xuất thường và không được hưởng ưu đãi vì là công ty công nghệ cao. Do đó, tôi đề xuất làm sao chính sách ưu đãi đồng bộ hơn, đầy đủ hơn chúng tôi mới có thể triển khai được. Đặc biệt các công ty công nghệ tốc độ rất quan trọng, khi vướng những việc này chúng tôi không thể chờ chính sách thay đổi mà phải tìm cách có thể thực thi được để đi tới. Bởi vì chỉ cần trễ nửa năm hay 1 năm thì công nghệ của mình lỗi thời và các công ty khác họ sẽ theo kịp mình nên chúng tôi cần chính sách thông suốt để đảm bảo vận hành nhanh chóng và hiệu quả”, bà Trang đề xuất.

Nguồn Châu Cao / Doanh nghiệp và Tiếp thị
Bài cùng chuyên mục