Chuyên gia địa ốc dự báo bất ngờ về diễn biến thị trường BĐS cuối năm

Các chuyên gia đều cho rằng, rất khó để đoán định chính xác kịch bản cho thị trường bất động sản cuối năm. Nhất là ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp buộc “án binh bất động” trong chiến lược bán hàng còn nhà đầu tư dè chừng xuống tiền.

Tại một diễn đàn diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của thị trường bất động sản. Theo ông, dù đã có chính sách tháo gỡ quan tâm của Nhà nước nhưng thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Do dịch bệnh, dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch nhưng sự kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư từ các thị trường khác tác động vào. Điển hình như vừa qua giá vật liệu xây dựng tăng cao, từ đó, làm giá thành đầu tư bất động sản tăng theo.

Các cơ chế về đất đai hiện vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, mặc dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã được tháo gỡ, nên các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Trong khi đó, các chính quyền địa phương là những chính quyền mới, đang có những triển khai thực hiện các chính sách mới tại địa phương, nên chưa có chính sách mạnh tác động đến thị trường.

Ông Khởi nhận định, sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động đến thị trường bất động sản và khó khăn này và nó có thể sẽ kéo dài ít nhất là đến hết 2022 mới có tác động lớn, góp phần cho thị trường phát triển thuận lợi.

(Ảnh minh hoạ).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng đặt ra quan ngại đáng lo về kịch bản thị trường bất động sản trước tác động của làn sóng Covid-19. Dù trước đó, vị chuyên gia này đã từng có phần lạc quan nếu trong trường hợp chương trình tiêm vaccine tại Việt Nam được đẩy mạnh, miễn dịch cộng đồng được hình thành.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diễn biến của dịch bệnh khiến TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo về chỉ số xấu liên quan doanh nghiệp địa ốc. Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp Việt Nam ít tính toán đến trích lập dự phòng rủi ro nếu trường hợp dịch bệnh kéo dài.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, dù dịch bệnh, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn. Đây là lý do mà kịch bản của thị trường bất động còn nhiều điểm sáng tích cực khi niềm tin vào kênh đầu tư này chưa bao giờ “xuống giá”. Chưa kể, thị trường địa ốc cũng sẽ xuất hiện xu hướng mới, tích cực.

Trên góc nhìn của một doanh nghiệp bất động sản, ông Thân Thế Hà, Chủ tịch HĐTV An Khánh lạc quan cho rằng, Covid-19 không thể kéo dài mãi được, dù diễn biến phức tạp. “Tôi nghĩ là sẽ đến chu kỳ giảm xuống, lúc đó các vấn đề về hoạt động của doanh nghiệp bất động sản cũng như khách hàng sẽ như một chiếc lò xo nén lâu, phải bung ra. Khi đó, sẽ có sự thanh lọc rõ ràng, những nhà đầu tư bất động sản dài hạn mới có thể trụ vững, các hoạt động đầu tư ngắn hạn sẽ khó”.

Mặt khác ông Hà còn cho rằng, các ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quy hoạch, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bất động sản ngày càng chặt chẽ, rõ ràng hơn, xu thế là sẽ tiến tới sự minh bạch.

Theo ông, với tất cả những yếu tố như trên, giai đoạn sau dịch bệnh sẽ có những tác động mới, mà hiện nay, xu thế phát triển bất động sản ở Việt Nam đang được ví như “một người thanh niên đang độ tuổi trưởng thành rất nhanh” so với các nước đã phát triển. Rõ ràng, bất động sản cũng như một đứa trẻ dậy thì, phát triển nhanh với tiềm năng còn rất lớn ở phía trước.

Nguồn Nguyễn Minh / Nhịp sống kinh tế
Bài cùng chuyên mục