Mặt bằng cho thuê giảm sâu – ‘thời’ của khách hàng

Trước việc giá mặt bằng cho thuê liên tục giảm sâu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều khách hàng đã xem đây là “cơ hội” để thuê lại, đặc biệt là những mặt bằng ở vị trí đắc địa mà trước đây không có khả năng thuê thì giờ rất dễ dàng để sở hữu.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hàng loạt mặt bằng cho thuê tại TP.HCM lầm vào tình trạng “cửa đóng then cài” vì không có khách thuê. Ảnh: Lý Tuấn

Chủ nhà giảm giá sâu vì không thể cầm cự

Nếu ở quý I/2021, thị trường mặt bằng cho thuê tại TP.HCM được cho là có nhiều tín hiệu khả quan hơn, nhưng quá trình phục hồi vẫn chưa kịp ổn định, thì bắt đầu từ giữa quý II/2021, làn sóng COVID-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ đã khiến cho mặt bằng cho thuê tại TP.HCM lâm vào tình cảnh “khó chồng khó”.

Có thể thấy, trước đây, những con đường trung tâm TP.HCM như quận 1, quận 3, quận 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận,.. càng nhộn nhịp người mua – bán bao nhiêu, thì ở thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã trở nên vắng lặng, với việc không thể kinh doanh, hàng loạt cửa tiệm, nhà hàng,… cũng theo đó đồng loạt đóng cửa, treo biển đóng cửa, trả mặt bằng,…

Điều đáng nói là trước việc bị trả mặt bằng trong thời gian dài, khiến một số chủ cho thuê rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, một số khác dù đã giảm 50-60% nhưng vẫn không có khách thuê.

Liên hệ với ông Minh Đức, người đại diện cho thuê một mặt bằng có 2 mặt tiền góc đường Lý Tự Trọng và Phạm Hồng Thái (quận 1) thì được biết hiện tại mặt bằng này vẫn chưa có người thuê dù đã giảm thêm 10%, tức đã xuống 20% so với giá niêm yết ban đầu 15.000 USD/tháng (tương đương 345 triệu đồng).

Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Minh Đức cho biết: “Do mặt bằng có vị trí đắc địa nên giá thuê khá đắt đỏ, chúng tôi đã cố gắng giảm hết mức có thể, chẳng qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mới có mức giá này, đây là cơ hội của khách hàng vì sau khi dịch kiểm soát chúng tôi sẽ tăng trở lại”.

Trong khi đó, chị Trần Thị Hương, môi giới nhà phố cho thuê ở quận 3, Bình Thạnh lại tỏ ra lo lắng, vì đang phải gánh lỗ do đã ký hợp đồng thuê dài hạn với chủ nhà, trong khi bản thân lại chưa kiếm được khách thuê mới.

“Dịch COVID-19 đã khiến cho kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn hoàn toàn, hơn 2 tháng nay tôi phải bỏ tiền túi ra để trả tiền 2 mặt bằng nhà phố ở quận Bình Thạch, vì đã lỡ ký hợp đồng với chủ nhà đến 1 năm. Để vớt vát phần nào, tôi cũng đã chủ động giảm đến 60% mức giá cho thuê nhưng vẫn không có khách, thật sự hết cách”, chị Hương chia sẻ.

Tại báo cáo của Batdongsan.com.vn vừa công bố mới đây chỉ ra, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến nhà phố cho thuê theo hướng tiêu cực nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo Batdongsan.com.vn, kể từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố trên các tuyến đường lớn tại TP.HCM đều liên tục giảm mạnh nhưng vẫn khó giữ chân người thuê. Nếu thời điểm tháng 4/2020, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm 10 – 20% thì đến những tháng đầu 2021, giá thuê nhà phố giảm xuống 40%, thậm chí nhiều khu vực còn có giá giảm 50% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, lượng tin rao cho thuê nhà phố trong tháng 1/2021 giảm 32 – 34%, nhu cầu tìm kiếm nhà phố cho thuê cũng tiếp tục giảm 16% so với tháng 12/2020. Đặc biệt, ngay trong thời điểm đầu quý II/2021, nhu cầu tìm thuê nhà riêng, nhà mặt phố tại TP.HCM không cải thiện mà còn giảm thêm gần 11 – 18% so với nhu cầu tìm thuê của tháng 3 trước đó.

Đặc biệt, sự quay trở lại của đợt dịch COVID-19 thứ 4 này đã khiến cho loại hình mặt bằng cho thuê càng trở nên “điêu đứng”. Ở những đợt dịch trước, để tìm kiếm, cũng như giữ chân khách hàng các chủ nhà đã phải giảm giá sâu, kèm với đó là những dịch vụ khuyến mãi, hỗ trợ đi kèm, thì đến thời điểm hiện tại, do thực hiện giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 15 và 16 của chính quyền TP.HCM nhu cầu thuê đã giảm mạnh.

Mặt khác, một vài mặt bằng dù đã được thuê và chuẩn bị các phương án để kinh doanh nhưng cũng chấp nhận chịu lỗ và tiến hành trả lại để thay đổi chiến lược nhằm thích ứng với đại dịch và đẩy mạnh bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử, hay livestream (trao đổi trực tuyến),… từ đó dẫn đến tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường bất động sản bán lẻ.

“Thời” của khách thuê

Có thể thấy, trước việc giá mặt bằng cho thuê liên tục giảm sâu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều khách hàng xem đây là “cơ hội” để thuê lại, đặc biệt là những mặt bằng ở vị trí đắc địa mà trước đây không có khả năng thuê thì giờ giá đã giảm sâu nên rất dễ dàng để sở hữu. Do đó, nhiều người đã đề nghị với chủ nhà ký các gói hợp đồng thuê dài hạn, với tâm lý khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ quay trở lại kinh doanh, trong khi giá thuê vẫn không thay đổi.

Anh Trương Thanh Hùng (ngụ quận 10, TP.HCM) cũng vừa ký xong hợp đồng thuê mặt bằng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) để kinh doanh shop quần áo. Chia sẻ với Nhadautu.vn, anh Hùng cho biết, thời gian qua, vì không có tiền thuê mặt bằng nên 2 vợ chồng anh chỉ bán quần áo tại nhà bằng hình thức livetream (trực tuyến) rồi giao hàng, tuy nhiên, khi biết được giá thuê mặt bằng đang giảm sâu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên anh đã lên các trang web để tìm thuê và chốt được mặt bằng này ở gần nhà với thời gian thuê đến 3 năm.

“Tôi tin khi thời gian tới dịch bệnh được kiểm soát tốt, mọi hoạt động bình thường trở lại, thì shop quần áo vẫn sẽ có thời gian dài để kinh doanh, trong khi giá thuê vẫn ở mức như hiện tại theo cam kết của chủ nhà trong hợp đồng, còn ở thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn có thể kinh doanh bằng hình thức online, hàng được bưu điện đến tận nhà lấy nên vẫn không lo, không có tiền trả mặt bằng”, anh Hùng nói.

Nhiều khách hàng dễ dàng sở hữu được những mặt bằng ở vị trí đắc địa nhờ giá thuê giảm sâu trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Lý Tuấn

Nhìn nhận thực tế về vấn đề này, bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, Savills TP.HCM cho rằng, thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng, dẫn đến giá thuê tiếp tục lao dốc.

“Theo khảo sát của chúng tôi để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê; trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20-40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3-5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng”, bà Trang thông tin.

Bên cạnh đó, một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.

Tuy nhiên, theo bà Trang, trong ngắn hạn, thị trường cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới.

“Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong, thay vào đó, khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng”, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, Savills TP.HCM nhận định.

Nguồn Lý Tuấn/ Nhà đầu tư
Bài cùng chuyên mục