Ngoài VinFast, những doanh nghiệp Việt Nam nào cũng đã ra mắt xe tự hành đạt chuẩn cấp độ 4/5?

Sự ra đời của xe tự hành (tự lái) đã làm ảnh hưởng lớn đến nền công nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới. Không chỉ các hãng xe, cả các công ty khác như Google, Amazon cũng đã có những xe tự hành của riêng mình và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua phát triển loại hình xe không người lái, tiêu biểu như Phenikaa và gần đây là VinFast.

Hiệp hội Kỹ thuật Ô tô (SAE – Society of Automotive Engineers) đã chia thang cấp độ của xe tự hành thành 6 cấp độ chính. Trong đó, ở cấp độ 0, cấp độ 1 hoặc cấp độ 2, người lái xe luôn chịu trách nhiệm về hoạt động của phương tiện, phải giám sát kỹ thuật mọi lúc, và phải kiểm soát hoàn toàn phương tiện khi cần thiết.

Sang đến cấp độ 3, phương tiện có thể hoạt động mà không cần sự can dự của tài xế vào quá trình điều khiển, trừ các trường hợp khẩn cấp. Còn ở cấp độ 4, những chiếc xe tự lái lúc này sẽ không cần bất cứ tương tác nào của tài xế trong quá trình vận hành xe, vì xe được lập trình để tự dừng trong trường hợp hệ thống bị lỗi. Vì vậy trong hầu hết điều kiện thực tế, tài xế sẽ không cần can thiệp để kiểm soát xe.

Ở cấp độ cao nhất, cấp độ 5, công nghệ sẽ kiểm soát hoàn toàn việc lái xe mà không cần sự giám sát của con người. Lúc này, phương tiện sẽ không có vô lăng, tay ga, chân phanh hay thậm chí là gương chiếu hậu như các dòng xe truyền thống. Sự tham gia duy nhất của con người chỉ là ra lệnh cho chiếc xe đi đến đâu. Việc này thậm chí cũng không cần phải được thực hiện trên xe mà có thể được ra lệnh từ điện thoại thông minh của người dùng.

Nguồn: SAE/Business Insider

Thế giới hiện nay đã có rất nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi và công nghệ tham gia vào cuộc chạy đua phát triển xe tự hành, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Tesla, Honda, Google…

Tuy nhiên, theo phân tích và thống kê của J.D Power (Mỹ), tính đến tháng 5/2021, không có xe nào được bán tại thị trường Mỹ có hệ thống lái xe tự động cấp độ 3, cấp độ 4 hoặc cấp độ 5. Tất cả các mẫu xe tự hành cấp độ 4 cho đến hiện tại vẫn mới chỉ sử dụng thí điểm với số lượng giới hạn, tại một số khu vực nhất định, chứ chưa thể chạy trong thực tế.

Đơn cử như Cruise, công ty ô tô tự lái liên kết với General Motors và Honda, là một trong 5 công ty ở Mỹ bên cạnh Waymo, Nuro, Zoox và AutoX được Cục Phương tiện Cơ giới của tiểu bang California (Mỹ) cấp phép thử nghiệm xe tự lái trên đường phố California.

Ngoài ra, Cruise cũng đã được phê duyệt để thử nghiệm vận hành những chiếc xe không người lái ở đường phố San Francisco (Mỹ) vào cuối năm ngoái. Thế nhưng, công ty sẽ chỉ được phép chạy thử 5 phương tiện không người lái trên những tuyến phố được chỉ định ở San Francisco. Ngoài ra, các phương tiện không được phép vượt quá 30km/h và không được hoạt động khi có sương mù dày đặc hoặc mưa lớn.

Ở Việt Nam, Vingroup đang cho thử nghiệm chạy những chiếc xe điện chở khách bên trong khu du lịch VinWonder ở đảo Hòn Tre, Nha Trang. Đây là công nghệ do Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn Vin BigData nghiên cứu và phát triển.

Theo đó, mức độ hoàn thiện của công nghệ này hiện đã đạt đến cấp độ 4, cấp độ cao thứ 2 cho xe tự lái. Điểm đặc biệt của những chiếc xe điện này đó là khả năng tự động giảm tốc từ khoảng cách 30m, chuyển làn từ khoảng cách 10m khi có vật cản được xác định là đứng yên. Mẫu xe này có vận tốc trung bình đạt 20-25 km, vận tốc tối đa đạt 30 km/h.

Khi hoạt động, xe sẽ liên tục sử dụng bản đồ với độ phân giải lớn cho diện tích lên đến 10 km vuông để đảm bảo hoạt động một cách chuẩn xác nhất. Nó cũng có khả năng định vị tối ưu với sai số chỉ khoảng 5cm trong khu vực hoạt động.

Trước VinFast, Việt Nam cũng đã có 2 doanh nghiệp từng nghiên cứu, thử nghiệm và ra mắt xe tự lái đó là FPT và Phenikaa. Đầu năm nay, tập đoàn Phenikaa nghiên cứu, phát triển và sản xuất, ra mắt mẫu xe tự hành. Các tính năng tự hành của xe đạt đến chuẩn cấp độ 4 (tiêu chuẩn SAE) nhờ trang bị bản đồ 3D, các cảm biến LiDAR và GPS phân giải cao, công nghệ học máy, học sâu.

Xe tự hành Phenikaa – Xe tự hành đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn cấp độ 4 theo thang đo SAE

Các tính năng kể trên hỗ trợ 4 nhóm hệ thống gồm hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn, hệ thống nhận diện và hệ thống điều khiển thông minh. Đây là cơ sở quan trọng để giúp mẫu xe điện của Phenikaa có khả năng tự hành với vận tốc trung bình 20 km/h, tự động giảm tốc độ khi vào góc cua hay gặp vật cản phía trước.

Do luật pháp Việt Nam chưa cho phép xe tự hành cấp 4 lăn bánh trên đường công cộng, nên những mẫu xe điện tự hành cấp 4 đều hướng tới việc ứng dụng đầu tiên ở các khu vực khép kín như khu du lịch, sân golf, khuôn viên các tập đoàn.

Nguồn Giang Anh / Doanh nghiệp và Tiếp thị
Bài cùng chuyên mục