“Vỡ mộng” với tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, thế giới bước vào chiến tranh tiền tệ?
Khi thỏa thuận đình chiến Mỹ-Trung xuất hiện biến số mới, ngân hàng trung ương nhiều nước đã phát tín hiệu "bồ câu" đối với chính sách nới lỏng định lượng.
Bong bóng sau thượng đỉnh Mỹ-Trung
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhìn nhận là đã đưa ra 2 nhượng bộ.
Một là tạm thời không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại. Hai là nới lỏng lệnh hạn chế bán sản phẩm công nghệ Mỹ cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cục diện hòa hoãn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung đang đối mặt với rủi ro lớn vì đàm phán thương mại Mỹ-Trung không những không có chút tiến triển nào, mà cả hai nhượng bộ nêu trên đều xuất hiện biến số.
Thứ nhất, tại một cuộc họp diễn ra hôm 16/7 ở Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố “chỉ cần Mỹ muốn”, 325 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc có thể sẽ bị áp thuế.
Trước đó 1 ngày, trong một dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nói tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một bằng chứng cho thấy biện pháp thuế quan mà ông áp lên hàng hóa nước này đang “có ảnh hưởng lớn”, đồng thời cảnh báo Washington sẽ gia tăng thêm sức ép.
Ngoài ra, ông Trump cũng đơn phương chỉ trích phía Trung Quốc từng cam kết mua nông sản Mỹ, nhưng tới nay vẫn chưa chịu thực hiện.
Thứ hai, ngày 16/7, một nhóm nghị sỹ thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã đề xuất một dự thảo luật mới ngăn tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ mà không có sự đồng ý của Quốc hội.
Theo nghị sỹ Van Hollen thuộc đảng Dân chủ, bằng cách cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei, “cuối cùng chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc và Tổng thống Trump không nên đánh đổi những lo ngại an ninh hợp pháp này (vì thỏa thuận thương mại)”.
Vấn đề cấp bách
Những biến số nêu trên bất cứ lúc nào cũng có thể phá tan bầu không khí hòa hoãn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Osaka.
Vì thế, đàm phán thương mại Mỹ-Trung được dự báo là sẽ còn khó khăn hơn nhiều, nhưng vẫn cần phải tiếp tục bởi cả Washington và Bắc Kinh đều có nhu cầu “kiếm thang bước xuống”. Cục diện “đấu nhưng không phá” trong quan hệ Mỹ-Trung xem ra khó thay đổi.
Bắt đầu với việc ông Trump đe dọa áp thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, có thể thấy áp lực tranh cử đối với ông Trump đã tăng lên. Xem ra lời đe dọa của ông Trump không đơn giản là để phía Trung Quốc nghe thấy mà quan trọng hơn là để nông dân Mỹ nghe thấy.
Sau khi khởi động chiến dịch tranh cử, kết quả nhiều cuộc điều tra cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump đứng sau 4 ứng cử viên của đảng Dân chủ. Do vậy, ông Trump cần phải cấp bách ổn định nguồn cử tri trung thành của mình.
Một là nông dân Mỹ. Đòn trả đũa thuế quan của Trung Quốc khiến nông dân Mỹ bị thiệt hại nặng nhất, lượng đậu tương xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 77% khiến thu nhập của họ giảm mạnh.
Theo thống kê, bang Wisconsin bị thiệt hại nặng nhất với số nông trại phá sản nhiều nhất nước Mỹ: Năm 2018 có 700 nông trại đóng cửa, năm 2019 tiếp tục có thêm 300 nông trại đóng cửa. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, ông Trump có thể mất sự ủng hộ của nông dân Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực với khả năng liên nhiệm tổng thống vào năm 2020.
Hai là người da trắng và nhóm phản đối người nhập cư. Ngày 14/7 vừa qua, ông Trump đã tung những lời chỉ trích trên tài khoản Twitter, ngụ ý nói 4 nữ nghị sĩ da màu thuộc đảng Dân chủ không phải những “công dân Mỹ gốc”, đều đến từ các nước tham nhũng nghiêm trọng, quản trị kém cỏi, kêu gọi họ trở về quê hương giúp chính quyền thu dọn đống bùng nhùng.
Đằng sau phát biểu “tấn công” các nghị sĩ da màu nêu trên có thể là toan tính chơi quân bài chủng tộc nhằm củng cố nguồn phiếu từ người da trắng và nhóm phản đổi người nhập cư, vốn góp phần quan trọng giúp ông Trump thắng cử năm 2016.
Đối với Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý II của nước này đạt 6,2%, tuy phù hợp với dự báo và vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng năm 2019 là 6%-6,5%, nhưng lại thấp nhất trong 27 năm. Dù biểu hiện trong lĩnh vực tiêu dùng vẫn tốt, nhưng áp lực kinh tế giảm tốc vẫn không giảm.
Đáng chú ý là điều đó lại diễn ra vào lúc cao điểm sinh viên tốt nghiệp ra trường ở Trung Quốc. Dự kiến năm 2019 này, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc sẽ phá kỉ lục, đạt 8,34 triệu người.
Gần đây, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc bắt đầu đưa tin ngay cả sinh viên tốt nghiệp những trường danh tiếng ở nước này cũng cảm thấy bi quan trước tình hình thị trường việc làm hiện nay. Một số tìm cách đẩy lùi thời gian tốt nghiệp, một số tìm cách đi thực tập tích lũy kinh nghiệm trước khi xin việc với hi vọng tránh khoảng thời gian tìm việc khó khăn này.
Áp lực việc làm càng tăng cao khi làn sóng doanh nghiệp đóng cửa, chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc vì ảnh hưởng của chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục.
Trong khi ổn định việc làm được Bắc Kinh đặt lên vị trí đầu tiên trong 6 mặt công tác cần ổn định hiện nay, nếu chiến tranh thương mại không thể chấm dứt hoàn toàn, việc đạt được một thỏa thuận hòa hoãn ở một mức độ nào đó cũng có thể tạo ra khoảng thời gian “dễ thở” hơn.
Cuộc đấu lãng phí thời gian
Báo cáo bán niên mới nhất về chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại chủ yếu do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra vẫn để Trung Quốc trong danh sách theo dõi về tiền tệ, chưa liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những căng thẳng trên mặt trận này không xuất hiện. Đáng quan tâm hơn, mặt trận này dự báo còn có sự góp mặt của nhiều nước, không còn bó hẹp trong phạm vi một cuộc đấu tay đôi.
Trả lời phỏng vấn tời Thời báo Tài chính, Kyle Bass, người sáng lập quỹ đầu tư rủi ro Hayman Capital, cho rằng năm 2020 kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Cho nên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ trở lại thực hiện mô hình khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, đó là giảm lãi suất về sát 0%. Dù rất ít người đưa ra dự đoán táo bạo như Kyle Bass, nhưng dư luận cơ bản kỳ vọng trong vòng 1 năm tới, Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần, từ mức 2,25%-2,5% hiện nay xuống mức 1,25%-1,5%.
Vấn đề ở chỗ không chỉ Mỹ, mà các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc như châu Âu, Nhật Bản, Australia… đều phát tín hiệu “bồ câu” về khả năng tiếp tục nới lỏng định lượng.
Để kích thích kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương) khó có thể tránh được việc giảm lãi suất, thậm chí có thể thực hiện trước khi Fed tuyên cáo kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, chính thức bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại là so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không gian cho việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã hẹp đi rất nhiều. Hơn nữa, việc tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ có thể cũng không mang lại hiệu quả lớn.
Các chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch (BofAML) chỉ rõ kể từ khi khủng hoàng tài chính toàn cầu bùng nổ vào năm 2008 tới nay, các ngân hàng trung toàn cầu tổng cộng giảm lãi suất hơn 700 lần, mua vào lượng tài sản trị giá 12.000 tỷ USD và giải phóng ra thị trường một lượng tiền tương đương.
Chỉ số theo dõi chính sách tiền tệ các nước của Hiệp hội Quan hệ ngoại giao Mỹ cho thấy chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương toàn cầu đang nới lỏng nhất kể từ năm 2014 và điều đó đồng nghĩa với việc tiền cũ chưa hút về hết, tiền mới đã chực chờ bơm ra.
Theo trưởng nhóm tiền tệ G-10 Thanos Vanvakidis thuộc BofAML, do các ngân hàng không thể tác động đến chi phí đi vay vì lãi suất đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, vì vậy, cách duy nhất để giảm bớt áp lực là làm suy yếu chính đồng tiền của họ.
Chia sẻ trên chương trình Squawk Box của CNBC hôm 16/7, chuyên gia Vanvakidis cho rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ ẩn hình kỳ thực đã bắt đầu, chỉ khác một điều là mọi người vẫn chưa công khai thừa nhận nó.
Vấn đề ở chỗ khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đều thực hiện chính sách nới lỏng định lượng, giá trị đồng tiền thực tế không hề thay đổi, không ai được lợi gì mà chỉ lãng phí thời gian.
Theo Gia Hân/ Trí thức trẻ