Bộ Y tế cho các doanh nghiệp “tự quyết” phương án phòng chống dịch phù hợp

Bộ Y tế vừa có văn bản về việc quyết định để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh,… chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Ngày 12/8, Bộ Y tế đã có văn bản số 6565/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống COVID-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, đơn vị đã ban hành các văn bản phòng, chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh gồm: Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế.

Các hướng dẫn tại các Quyết định trên đều nêu rõ “Trên cơ sở hướng dẫn này và diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chính quyền các cấp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và đảm bảo an toàn sản xuất”.

Trong thời gian qua, căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên và tình hình thực tế địa phương, một số tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã xây dựng phương án vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo sản xuất như hình thức sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”.

Tuy nhiên, tại một số địa phương việc áp dụng mô hình phòng, chống dịch tương tự chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Mô hình “3 tại chỗ” áp dụng chưa thực sự hiệu quả tại các tỉnh. thành phố phía Nam

Vì vậy, Bộ Y tế quyết định để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh,… chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp với tình hình địa phương dựa trên hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị một cách hợp lý. Qua đó, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh để xảy ra tình trạng chồng chéo, không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh.

UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn tại Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế, cụ thể: xét nghiệm sàng lọc hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19; xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc COVID-19.

Với hoạt động vận chuyển hàng hoá, cần đảm bảo an toàn, theo công văn 5737 và 5886 của Bộ Y tế như chấp nhận kết quả test nhanh trong vòng 72 giờ, không dừng xe đã có mã QR code kiểm tra…, đảm bảo không gây ùn tắc và tạo điều kiện cho đơn vị vận chuyển hàng hóa.

Trước đó, phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đánh giá trong bối cảnh hiện nay phương án “3 tại chỗ” áp dụng cho sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, vẫn là phương án tốt.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mặc dù phương án này đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, đặc biệt ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP.HCM lại có bất cập. Phương án này chỉ phù hợp thực hiện trong thời gian ngắn.

Ông Hải cho hay, đặc điểm các khu công nghiệp phía bắc ít người hơn trong khi ở phía nam, có những khu có tới hàng nghìn, chục nghìn công nhân. Thành phần dân cư phức tạp, xuất thân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nên không thể ở mãi một chỗ.

Mặt khác, nhiều vùng bị đứt gãy chuỗi vận tải, cung ứng nên khó khăn trong việc áp dụng tại chỗ. Thêm vào đó, chi phí áp dụng “3 tại chỗ” quá cao nên nhiều doanh nghiệp chỉ có thể áp dụng “3 tại chỗ” trong 7 – 20 ngày.

Một số quy định của các địa phương còn khác nhau. Nếu có trường hợp bị mắc COVID-19 trong bất kỳ khu công nghiệp nào đó thì mỗi một nơi lại quy định khác nhau. Có nơi còn đóng cửa ngay cơ sở sản xuất đó trong khi họ đã chuẩn bị rất tốn kém để có thể tạo ra phương án “3 tại chỗ”. Do vậy nhiều doanh nghiệp chủ động không làm nữa. Đây là thực tế hiện nay.

Nguồn H.A/ Doanh nhân Việt Nam
Bài cùng chuyên mục