Cơn sốt đất nền đã được kiểm soát
Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo. Cụ thể, đã công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên các địa bàn.
Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo về việc thực hiện các biện pháp kéo giảm cơn “sốt đất” từ đầu năm nay. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương có giải pháp để kiểm soát quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản tại các địa phương. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương báo cáo các giải pháp và kết quả thực hiện theo yêu cầu tại văn bản nêu trên để ổn định thị trường bất động sản tại địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã vào cuộc, có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chấn chỉnh quản lý nhà nước về giá đất. Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, giá đất một số địa phương, khu vực tăng lên một cách đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế, xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, thị trường bất động sản đã dần ổn định. Báo cáo quý II/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý trước. Giá giao dịch đất nền tại một số địa phương giảm như sau: tại Hà Nội, dự án The Phoenix Garden (Đan Phượng) giá khoảng 32,2 triệu đồng/m2, Khu đô thị Inoha City Phú Xuyên (Phú Xuyên) giá khoảng 24,7 triệu đồng/m2, The Spring Town Xuân Mai (Chương Mỹ) giá khoảng 14,5 triệu đồng/m2, Hòa Lạc Premier Residence (Sơn Tây) giá khoảng 13,9 triệu đồng/m2…
Tại Hải Phòng: khu Cửa Trại (xã Thủy Đường), Khau Da, Khang Dồi, Gò Gai (xã Thủy Sơn), giá đất đang giao dịch quanh mức 20-25 triệu đồng/m2, đất nền ở các xã Hoa Động, Lâm Động… hiện có giá hơn 15 triệu đồng/m2… Còn tại Đồng Nai: dự án Biên Hòa New Town 2 (TP. Biên Hòa) giá giao dịch khoảng 16,1 triệu đồng/m2, dự án Long Hội Central Point (Nhơn Trạch) giá khoảng 18,8 triệu đồng/m2…
Theo báo cáo quý II/2021 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam về phân khúc đất nền, liền kề tại Hà Nội, nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt. Nhiều hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hầu hết ở các địa phương không còn hiện tượng sốt đất nữa, giá đất đã giảm nhưng có một số nơi giá vẫn ở mức cao so với giá trị thực. Hiện giá đất nền vẫn còn cao so với thời điểm trước khi sốt và đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Giá bán cao nên người mua ít, chỉ dự án nào điều chỉnh hợp lý về mức giá thị trường mới có giao dịch.
Tại các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… giá đất quý II/2021 đã có sự điều chỉnh hàng loạt. Đặc biệt, sau đợt dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh… có hiện tượng nhiều dự án giảm sâu, trở về với mức giá ban đầu của cuối năm 2020. Nhà đầu tư vẫn quan tâm đối các dự án có giá giảm sâu, còn dự án nào giảm nhẹ họ chỉ quan sát chứ chưa xuống tiền.
Cơn sốt đất đầu năm diễn ra rất mạnh và hệ lụy của nó có vẻ là không nhỏ, cần phải phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án, các giao dịch mua bán trên thị trường, kiểm tra các đối tượng tham gia đầu tư và tham gia làm dự án, sử dụng đất đai, các đối tượng mua bán, môi giới. Bên cạnh đó, thông tin quy hoạch phải công bố rõ ràng, minh bạch để cho mọi người có thể tham gia, đối chứng và đặc biệt là những thông tin về thị trường như chỉ số giá cần được xây dựng một cách đầy đủ để làm cơ sở dữ liệu tra cứu cho các nhà đầu tư tham chiếu, ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm.
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.
Các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.