Tài chính tiêu dùng hỗ trợ phục hồi kinh tế

Bên cạnh các công ty tài chính, bản thân các ngân hàng cũng đã và đang gia tăng khả năng tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của nhân dân thông qua hàng loạt chương trình tín dụng tiêu dùng với nhiều ưu đãi.

Ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2021, một số công ty tài chính có thị phần lớn trên thị trường vẫn có kết quả tương đối khả quan. Như tại HD Saison (công ty tài chính của HDBank), tổng dư nợ của công ty này tính tới hết tháng 6/2021 là 14.393 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của HD Saison tăng 20,7% so với cùng kỳ và bằng xấp xỉ 44% tổng thu nhập của ngân hàng mẹ; lợi nhuận trước thuế tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Hay một cái tên khác là M-Credit (MBBank sở hữu 50%) cũng có tăng trưởng khá ấn tượng ở hai quý đầu năm 2021: doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt là 2.168 tỷ đồng và 346 tỷ đồng, tăng tương ứng 16% và 188% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn tại FE Credit, 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của đơn vị này chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ. Song theo ước tính của SSI dự báo, lợi nhuận FE Credit trong năm 2021 có thể đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 20% dư nợ cho vay nền kinh tế

Hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp chưa biết tới khi nào sẽ kết thúc. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người dân, khiến cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi dịch bệnh được kiểm soát, cầu tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh chóng; tiêu dùng phục hồi sẽ là động lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh phục hồi. Bởi vậy, dù có nhiều thách thức, song các chuyên gia tài chính cho rằng, nhìn trong dài hạn cho vay tiêu dùng vẫn tăng trưởng khả quan. Hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tiêu dùng cơ bản, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống…

Đặc biệt chủ trương kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030 có nhấn mạnh nhiệm vụ “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen”.

Thống kê cho thấy, tới năm 2020, sau hơn 10 năm tài chính tiêu dùng hình thành và phát triển tại Việt Nam, dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đạt mức 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, với một nền tài chính tiêu dùng còn mới mẻ như Việt Nam thì đây là một sự tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên nếu so với nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế ở Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn. Điều này đồng nghĩa với việc dư địa và tiềm năng để thúc đẩy lĩnh vực này còn rộng dài với các ngân hàng cũng như công ty tài chính thời gian tới.

Một trong những điều kiện tạo đòn bẩy cho tín dụng tiêu dùng phát triển đúng hướng tại Việt Nam, theo giới chuyên môn, phần nhiều nằm ở cơ chế chính sách. NHNN những năm qua đã liên tục hoàn thiện, bổ sung các quy định về cho vay lĩnh vực này, làm sao để hướng tới mục tiêu an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Đơn cử như Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN theo hướng quy định cụ thể hơn về hoạt đọng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Theo đó, Thông tư 18 yêu cầu các công ty tài chính phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; Các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Thông tư cũng quy định, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…

Gần nhất, NHNN đã có văn bản xin ý kiến của các cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, dự thảo có bổ sung quy định công ty tài chính vi phạm về cho vay tiêu dùng có thể bị phạt tới 40 triệu đồng.

Bên cạnh các công ty tài chính, bản thân các ngân hàng cũng đã và đang gia tăng khả năng tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của nhân dân thông qua hàng loạt chương trình tín dụng tiêu dùng với nhiều ưu đãi. Như Agribank mới đây tiếp tục dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân khu vực đô thị, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm đến 7%/năm. Đồng thời, Agribank đang triển khai cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 30 triệu đồng với lãi suất thấp phục vụ nhu cầu chi tiêu đột xuất của khách hàng như: Thanh toán vật tư nông nghiệp, thanh toán dịch vụ công…

Hay HDBank sử dụng phân tích dữ liệu lớn tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho các khoản vay cá nhân, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, các sản phẩm bảo hiểm. Ngân hàng cũng tận dụng lợi thế hợp tác của các thành viên trong tập đoàn, đối tác để tạo ra các kênh bán chéo sản phẩm tài chính tiêu dùng và cung cấp dịch vụ thanh toán hiện đại, gia tăng số lượng giao dịch với khách hàng hiện hữu và thu hút khách hàng mới.

NguồnKhuê Nguyễn/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục