Bán Kem Trị Thâm, Seoul Spa có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Sản phẩm “Kem Trị Thâm” đang được bày bán công khai tại cơ sở có tên là Seoul Spa (tọa lạc tại số 120 Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có dấu hiệu chưa được kiểm định.

Thời gian vừa qua, báo chí liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về những sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật đang được bày bán công khai tại nhiều Spa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

TMV Seoul Spa, có địa chỉ số 120 Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Nhằm vào tâm lý của nhiều chị em trong việc lựa chọn sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên, thời gian qua trên thị trường xuất hiện nhiều loại sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp kèm lời quảng cáo có cánh. Bên cạnh những hãng mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật, có rất nhiều mỹ phẩm chui, lách luật ngang nhiên bán hàng ra thị trường. Trong đó tồn tại nhiều đơn vị không hề đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm nhưng vẫn “tự biên, tự diễn” để sản xuất bất chấp những rủi ro có thể xảy đến với người tiêu dùng.

Từ những thông tin bạn đọc cung cấp, nhóm PV tìm đến cơ sở Seoul Spa nói trên. Tại đây, chúng tôi mua 1 sản phẩm “Kem Trị Thâm” với giá 295.000 đồng. Nhãn sản phẩm chỉ ghi Công ty CP Công nghệ DNG (không rõ công ty DNG là đơn vị phân phối hay đơn vị sản xuất), địa chỉ 11 Bàu Cát 8, phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Nhân viên Seoul Spa tư vấn sản phẩm “Kem Trị Thâm” cho khách hàng (ảnh cắt từ clip).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nếu sản phẩm này là mỹ phẩm thì theo quy định của Bộ Y tế thì phải đảm bảo: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.

Bên cạnh đó, Cục Quản lí dược không chấp nhận các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như “trị”, “điều trị”, … trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm.

Tại Điều 20 thông tư 06/2011/TT-BYT quy định: “Tổ chức, cá nhân được phép ghi trên nhãn mỹ phẩm những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái với quy định của pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mỹ phẩm”.

Sản phẩm “Kem Trị Thâm” có ghi Công ty CP Công nghệ DNG

Thế nhưng sản phẩm được mua tại Seoul Spa lại có dòng chữ “Kem Trị Thâm” và nhân viên tư vấn cũng xác nhận là kem trị thâm. Vậy sản phẩm này có “trị thâm” được không, hay chỉ cố tình lập lờ tên gọi để đánh lừa người tiêu dùng?

Còn nếu là thuốc trị thâm thật sự thì sản phẩm này lại không ghi số đăng kí lưu hành theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Như vậy, cho dù là thuốc hay mỹ phẩm thì “Kem Trị Thâm” đang được bày bán tại Seoul Spa đều có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Căn cứ Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ, khi sản phẩm thuốc hoặc mỹ phẩm vi phạm Nghị định này thì ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị buộc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm.

Rõ ràng với một nhãn hiệu mỹ phẩm khi được đưa ra thị trường phải đảm bảo cơ sở pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, sản phẩm “kem trị thâm” nói trên, đang lưu hành ngoài thị trường có dấu hiệu sai phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh mỹ phẩm.

Trên bao bì sản phẩm “Kem Trị Thâm” có ghi Công ty CP Công nghệ DNG.

Thực tế cho thấy, hiện nay không thiếu những doanh nghiệp “gian manh” chỉ vì lợi nhuận mà sẵn sàng lừa dối khách hàng bằng cách quảng cáo, ghi nhãn thổi phồng công dụng của sản phẩm. Điều này có thể khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin ngay cả với các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác.

Vậy có hay không việc Seoul Spa bỏ qua mọi quy định để kinh doanh sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật? Sử dụng những lời quảng cáo “có cánh” để đánh lừa người tiêu dùng nhằm gia tăng lợi nhuận?

Từ những dấu hiệu trên, đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lí thị trường nên sớm vào cuộc điều tra, làm rõ, tránh những rủi ro xấu nhất có thể xảy đến với người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Điều 10. Các hành vi bị cấm

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;

b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Theo Nhóm PV/ Tieudung.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục