Dự báo sau dịch nhà đất sẽ ‘sốt’ nhẹ, cảnh báo tránh xa loại bất động sản này
Khi đầu tư đất nền, điều quan trọng nhà đầu tư cần nhận biết, đâu là biểu hiện của “sốt ảo”, đâu là sản phẩm có giá trị thực, có thể sinh lời lâu dài?
Đầu tư cần biết đâu là “sốt đất ảo”
Có ý kiến cho rằng, đây là thời điểm tốt để tham gia thị trường đất nền, nhưng cũng có nhà đầu tư e dè. Vậy, thời điểm nào nên đầu tư đất nền vùng ven?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay: Trong nguy có cơ, thời điểm này là thời điểm có cơ hội để đầu tư bất động sản, nhất là đất nền vùng ven.
Ông Quang chia sẻ, khi ông khảo sát, thăm dò từ các môi giới, nhà đầu tư địa phương khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng… thì thị trường bất động sản chưa có hiện tượng bán tháo, mọi người đang chờ đợi, “gồng” nhau qua dịch để phát triển.
Tuy nhiên, trong đó cũng có khoảng 10-20% người muốn bán bất động sản. Vì thế, ông Quang cho rằng, trong lúc đang ngồi nhà chống dịch nên nghiên cứu sẽ mua bất động sản nào sau dịch.
“Theo tôi, những vùng đất tốt là những vùng hợp với nhà vườn, có khí hậu tốt, có nhà đầu tư lớn, vùng đất phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ có thể di chuyển trong vòng 60km hoặc những vùng đất nghỉ dưỡng có thể di chuyển trong khoảng thời gian 2 tiếng đi xe đều có thể đầu tư tốt trong thời điểm hiện nay.
Tôi nghĩ, sau dịch khoảng 3 tháng, sang tháng thứ 4, bất động sản sẽ có cơn sốt nhẹ. Do đó, thời điểm này là thời điểm tốt để chúng ta chọn lựa từ từ, chọn lọc để chuẩn bị sẵn sàng đầu tư. Nên chọn chủ đầu tư có sản phẩm bàn giao vào năm 2023, có pháp lý rõ ràng, nhất là có chính sách thanh toán kéo dài sẽ không bị áp lực về thanh toán… đó là những sản phẩm đầu tư an toàn nhất”, ông Quang nói.
Đối với phân khúc đất nền, khi đầu tư, điều quan trọng nhà đầu tư cần nhận biết, đâu là biểu hiện của “sốt đất ảo”, đâu là sản phẩm có giá trị thực, có thể sinh lời lâu dài?
Theo ông Võ Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam: ‘Sốt đất’ là khái niệm biểu hiện bất thường trên thị trường. Biểu hiện của ‘sốt đất ảo’ đó là tại một thời điểm, trong thời gian ngắn mà giá tăng rất cao, rất nhanh, tốc độ giao dịch sôi động không bình thường.
“Đối với khu vực nào cũng vậy, để phát triển, thu hút được sự đầu tư bài bản cần có yếu tố chờ như sự thay đổi về hạ tầng, quy hoạch, giao thông… Nếu những yếu tố này không thực sự tồn tại hoặc chỉ tồn tại thông qua những thông tin không được chứng thực thì kéo theo những giao dịch sôi động đó là “sốt đất ảo”.
Hiện tượng của việc sốt đất ảo là sẽ thấy giá lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh. Chu kỳ chỉ có thể trong vòng vài vài ngày, vài tuần hoặc 1-2 tháng là thị trường quay trở lại trạng thái ban đầu. Nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm khi thấy khu vực có giao dịch sôi động, có khả năng sinh lời nhanh thì muốn tham gia vào, đó chính là rủi ro đầu tiên phải hứng chịu”, ông Kiệt lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Quang cũng cho rằng, ‘sốt đất ảo’ rất dễ nhận biết, chỉ cần quan sát khu vực đó giá bất động sản tăng liên tục, tin rao vặt đưa lên mạng xã hội và truyền thông rất nhiều. Khi mua bất động sản mà các môi giới ở đó cam kết sinh lời trong vòng 10, 15 hay 30 ngày.
Đâu là sản phẩm đất nền có giá trị thực?
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, bất động sản có giá trị thực là bất động sản đưa đến người sử dụng cuối cùng là ai? Đất để xây khách sạn hay nhà trọ, đất xây nhà cao cấp hay bình dân… điều này để thấy đất có giá trị thật hay không.
Ông Quang đơn cử, đất xây nhà cho công nhân thuê thì giá chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/m2 là hợp lý; đất xây nhà 2 tầng có thể mở cửa hàng tạp hóa thì khoảng 15-25 triệu đồng/m2; còn đất có thể xây dựng khu chung cư cao cấp thì giá khoảng 25-40 triệu đồng/m2 là hợp lý.
“Khi nào bất động sản đó có thể đưa vào hoạt động được thì giá 15 triệu đồng là chính xác, nhưng nếu 3 năm nữa mới hoạt động được thì nên chiết khấu đi 10%/năm mới có thể ra đúng được giá trị thực của đất”, ông Quang lưu ý.
Cùng với đó, theo vị chuyên gia này, đất có giá trị thực phải có cơ sở hạ tầng đầy đủ… chứ không phải mua khu bất động sản ‘tắt đèn’, tức là mua mà không biết đến khi nào dân đến ở thì rất nguy hiểm.
Cũng theo ông Quang, rủi ro lớn nhất khi mua đất nền là rủi ro về pháp lý. Mua đất nền ở vùng xa rất dễ dính ‘bẫy’ pháp lý, mua đất mà không biết khi nào được ra sổ, mua đất mà không biết đất nông nghiệp có được xây nhà hay không… cần lưu ý những điều này. Ngoài ra, người mua đất nền cần tìm hiểu kỹ giá đất ở khu vực đầu tư.
Ngoài ra, Giám đốc CBRE Việt Nam cũng lưu ý nhà đầu tư khi đầu tư đất nền cần tìm hiểu khu vực đầu tư có nhu cầu thực trong tương lai hay không? Đó là yếu tố sẽ quyết định khu vực đó có phát triển bền vững hay không, điều này tạo nên giá trị lâu dài cho việc đầu tư.