Đẩy nhanh tiến độ “chip hóa”
Các nhà băng vẫn đang rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi thẻ chip của mình.
6,7 triệu thẻ và 32 nghìn máy POS là con số mục tiêu mà Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đặt ra trong chương trình hỗ trợ chuyển đổi thẻ chip năm 2021 với các tổ chức thành viên. Theo đó, NAPAS sẽ hỗ trợ các tổ chức thành viên đầu tư, nâng cấp máy POS và phát hành thẻ chip theo tiêu chuẩn cơ sở mà NHNN ban hành (VCCS), gồm hỗ trợ chuyển đổi thẻ chip tiếp xúc (contact) và thẻ chip không tiếp xúc (contactless), POS cho thẻ chip tiếp xúc và POS cho thẻ dual (loại thẻ được tích hợp hai tính năng ghi nợ và tín dụng trên cùng một phôi thẻ).
Cũng theo NAPAS, hiện đã có 43/50 tổ chức thành viên hoàn thành chứng thực đáp ứng tiêu chuẩn VCCS, trong đó có 7 ngân hàng hoàn thành 100% công tác chuyển đổi VCCS theo quy định. Tới 30/6/2021, tổng số lượng thẻ chip chuyển đổi đạt 18,4 triệu thẻ, số ATM và POS chuyển đổi tương ứng là hơn 15,5 nghìn ATM và 170 nghìn POS.
Với việc tiếp tục hỗ trợ các tổ chức thành viên trong việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip của NAPAS, giới chuyên gia cho rằng, công cuộc để tiến tới chip hoá toàn diện hệ thống thẻ của các ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu như lộ trình đề ra vào 31/12/2021 (100% thẻ thanh toán đang lưu hành của các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chip nội địa).
Qua ghi nhận, các nhà băng vẫn đang rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi thẻ chip của mình. Tới hết tháng 9/2021, với khách hàng trả lương qua tài khoản, Agribank cũng miễn phí phát hành thẻ chip nội địa khi thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ còn hiệu lực sang thẻ chip. Với khách hàng khác, Agribank miễn phí phát hành lại thay thế thẻ từ do hết hạn sử dụng, thẻ bị hỏng…
Vietcombank miễn phí chuyển đổi cho khách tại quầy và cả trên Digibank. Tại PVcomBank, dù có số lượng thẻ nội địa lưu hành nhiều cũng như hệ thống EDC và ATM rộng khắp, chi phí để chuyển đổi thẻ rất lớn nhưng ngân hàng này tiếp tục duy trì chính sách chuyển đổi miễn phí thẻ từ ATM sang thẻ ATM chip contactless cho mọi khách hàng từ nay tới hết 30/09/2021; Kienlongbank cũng triển khai miễn phí chuyển đổi hai loại thẻ ghi nợ nội địa Hoàng Sa Việt Nam và Trường Sa Việt Nam, từ thẻ công nghệ từ sang thẻ công nghệ chip contactless…
Phó Tổng giám đốc Vietcombank bà Phùng Nguyễn Hải Yến chia sẻ, việc chuyển sang sử dụng thẻ chip sẽ khắc phục được tình trạng tội phạm thẻ đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả nhằm rút trộm tiền. Năm 2021, Vietcombank cũng dự kiến sẽ hoàn thành chuyển đổi gần 14 triệu thẻ ghi nợ nội địa của ngân hàng đang lưu hành trên thị trường theo chuẩn thẻ chip. Bên cạnh thẻ nội địa, nhà băng này cũng chủ động chuyển đổi công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip cho các loại thẻ quốc tế do Vietcombank phát hành.
Cũng theo đại diện Vietcombank, triển khai thẻ không tiếp xúc sẽ hỗ trợ tích cực cho việc thay đổi thói quen thanh toán của người dân, hỗ trợ các khoản thanh toán dịch vụ công, các dịch vụ công ích, giảm chi phí cho xã hội. Đơn cử như trong giao thông công cộng, cho phép người dùng sử dụng thẻ không tiếp xúc để thực hiện “chạm và đi” trên nhiều phương tiện công cộng khác nhau như xe buýt, BRT, Metro… hay thanh toán phí đỗ xe bằng thẻ thanh toán không tiếp xúc thay vì tiền mặt và vé giấy.
SHB cũng cho biết, với thẻ chip ghi nợ nội địa Solid của ngân hàng, gắn thêm chức năng contactless, khách hàng có thể trải nghiệm thanh toán một chạm vô cùng tiện lợi, phục vụ rất nhiều nhu cầu như thanh toán/rút tiền (giao dịch tại ATM/POS); thẻ vé giao thông công cộng; nộp phạt vi phạm giao thông; thanh toán tại các trạm xăng dầu; các dịch vụ công cộng, tiện ích khác…
Ông Đinh Văn Chiến – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân TPBank cũng chia sẻ, toàn bộ ATM/VTM, POS/mPOS của TPBank đã chấp nhận thẻ chip nội địa của tất cả các ngân hàng theo chuẩn của NHNN, ngân hàng cũng đã phát hành 100% thẻ chip nội địa từ tháng 6/2019.
Một chuyên gia nhìn nhận, công nghệ dù hiện đại tới đâu thì mục tiêu lớn nhất là phải đảm bảo không ảnh hưởng tới khách hàng cũng như không làm gián đoạn các dịch vụ cung cấp tới khách hàng, thậm chí là phải mang lại trải nghiệm tối ưu hơn nhiều so với trước. “Vẫn một chiếc thẻ đó, cách thức sử dụng vẫn như vậy, nhưng khách hàng sẽ cảm nhận được là dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, tiện hơn, an tâm hơn thì đấy là cái đích mà các ngân hàng cần quan tâm”, vị này chia sẻ.
Từ năm 2018, ngoài việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; NHNN đã ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng.