Ngân hàng tung nhiều chiêu hút vốn

Các ứng dụng gửi tiết kiệm online được nhiều NHTM sử dụng để thu hút tiền gửi trong bối cảnh dịch bệnh

Theo Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 6 – 10/9/2021 của SSI Research, lãi suất huy động giảm nhẹ ở một số ngân hàng thương mại lớn. Khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã giảm 0,2-0,5% trong tháng 9.

Đơn cử, hiện TPBank đang áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng 5,3%/năm giảm 0,1% so với tháng 8; kỳ hạn 9 tháng giảm từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm, kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng đồng loạt giảm 0,3%/năm xuống còn 6%/năm. Tại Sacombank, kỳ hạn tiết kiệm 36 tháng giảm từ mức 6,1%/năm xuống còn 5,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm còn 4,5%/năm; trong khi các kỳ hạn 1-3 tháng lần lượt giảm 0,2-0,3% so với biểu lãi suất tháng trước, còn tương ứng 2,9% và 3%/năm. Trong khi tại MB, HDBank mức lãi suất các kỳ hạn 1-12 tháng cũng giảm tương ứng 0,25-0,4% so với biểu lãi tháng trước. Hiện lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1-12 tháng tại ACB dao động từ 3,3-5,9%/năm…

Các ứng dụng gửi tiết kiệm online được nhiều NHTM sử dụng để thu hút tiền gửi trong bối cảnh dịch bệnh

Ở khối các NHTM Nhà nước, ngoài Vietcombank và VietinBank hiện vẫn duy trì biểu lãi suất trong tháng 7 và tháng 8, hai ngân hàng còn lại là Agribank và BIDV cũng đã tiến hành giảm 0,1% lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm.

Nhìn chung hiện mặt bằng lãi suất trên huy động tiết kiệm thị trường có sự phân chia giữa các ngân hàng lớn với các ngân hàng có quy mô nhỏ. Theo đó, hiện lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường vẫn là khối các NHTM Nhà nước lớn khi mà lãi suất tiết kiệm cao nhất của các ngân hàng này chỉ là 5,5-5,6%/năm, được trả cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trong khi lãi suất tiết kiệm cao nhất của các ngân hàng cổ phần tư nhân có quy mô lớn vào khoảng 5,8 – 6,2%/năm. Còn với những ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 6,7-6,8%/năm.

Theo các chuyên gia ngân hàng, đó cũng là điều bình thường bởi các ngân hàng quy mô nhỏ không có nhiều lợi thế về uy tín thương hiệu và mạng lưới như các ngân hàng lớn nên thường phải trả lãi suất cao hơn mới có thể thu hút được tiền gửi.

Dự báo về mặt bằng lãi suất huy động thời gian tới, SSI Research cho biết, mặc dù chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp, tuy nhiên mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống khi vẫn cao hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Do vậy SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong thời gian tới.

Đồng tình với nhận định này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào. Nguyên nhân một phần cũng bởi tín dụng vẫn tăng trưởng chậm vì dịch bệnh. Mặt khác việc các ngân hàng thực hiện các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn với NHNN vừa qua cũng đồng nghĩa với việc có thêm một lượng không nhỏ thanh khoản tiền đồng được bơm ra thị trường. Thanh khoản dồi dào là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm. Thống kê cho thấy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ khoảng 0,021%, kết tuần ở 0,7%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,84%/năm cho kỳ hạn một tuần.

Ngoài ra, việc các ngân hàng đang giảm mạnh lãi suất cho vay, phí để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm và đang đứng ở mức rất thấp, để cạnh tranh thu hút tiền gửi, các ngân hàng đã triển khai nhiều dòng sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ huy động và tận dụng các nguồn tiền nhàn rỗi. Theo đó, một số NHTM đưa ra sản phẩm tiết kiệm rút gốc linh hoạt với lãi suất hợp lý.

Theo đó, nhiều ngân hàng đã tặng thêm lãi suất cho những khách hàng trên 50 tuổi hoặc tặng lãi suất cho những khoản tiền gửi lớn. Một số khác vừa phát triển các sản phẩm gửi tiết kiệm trực tuyến. Chẳng hạn, với ứng dụng Savy by TPBank, hiện nay ngân hàng này đã cho phép khách hàng có thể gửi góp từ 30.000 đồng trở lên. Tính đến giữa năm 2021 ứng dụng Savy của TPBank đã thu hút hơn 700.000 người tham gia. Số tiền gửi tiết kiệm online của khách hàng tại Savy lên tới 1.200 tỷ đồng. Lãi suất TPBank trả cho các kỳ hạn gửi tiết kiệm qua ứng dụng Savy dao động từ 3,5% – 7,7%/năm. Người gửi tiền có thể gửi theo tuần, theo tháng hoặc theo năm. Thậm chí ứng dụng Savy by TPBank cũng liên kết với 30 ngân hàng khác, để khách hàng có thể thông qua ứng dụng này lựa chọn ngân hàng trả lãi cao nhất nhằm đầu tư các khoản tiết kiệm của mình.

NguồnĐỗ Cường/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục