Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất

ACB và Techcombank là hai ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường với điều kiện đặc biệt. Một số ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất trong nửa cuối tháng 9.

ACB công bố lãi suất tiền gửi giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng là 7,1%. Đây cũng là điều kiện thấp nhất trong số các ngân hàng công bố lãi suất đặc biệt. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất là 6,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 5,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này thấp hơn 0,2-0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.

Techcombank cũng công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, với điều kiện tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn.

Một số ngân hàng khác như LienVietPostBank có lãi suất 6,99%/năm, HDBank với 6,95%/năm, MB 6,8%… với các điều kiện riêng áp dụng cho các khoản tiền gửi giá trị lớn trên 200-300 tỷ đồng với kỳ hạn 12-13 tháng.

Với khoản tiền gửi thông thường tại các ngân hàng, lãi suất thường thấp hơn 1-2,5% với cùng kỳ kỳ hạn, phổ biến là 4,85-6,8%/năm. Cá biệt tại Techcombank, lãi suất tiền gửi cuối kỳ cho khách hàng ưu tiên ở mức 4,4-4,8%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam. Nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank có lãi suất 12 tháng 5,5%/năm, các ngân hàng còn lại đều để lại suất 5,6%/năm.

Lãi suất tiết kiệm 12 tháng điều kiện thường tại một số ngân hàng. Đơn vị: %.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Nửa cuối tháng 9, một số ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. ACB hạ lãi suất tất cả các kỳ hạn 0,1 điểm phần trăm (10 điểm cơ bản). Lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 0,2%, kỳ hạn 3 tháng còn 3,3%, kỳ hạn 9-12 tháng ở điều kiện thường lần lượt là 4,9% và và 5,6%. Đầu tháng ngân hàng này đã hạ lãi suất 10 điểm cơ bản.

Techcombank cũng tiếp tục hạ lãi suất 10 điểm cơ bản từ nửa cuối tháng 9. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng cao nhất còn giảm còn 2,6-2,85%, 6-9 tháng còn 4-4,1%. Riêng kỳ hạn 12 tháng và lâu hơn giữ nguyên quanh 4,8%.

Sacombank cũng giảm lãi suất huy động 20 điểm cơ bản nhiều kỳ hạn từ 13/9. Lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng còn 2,7-2,8%, trong khi 6 -dưới 12 tháng còn 4,1-4,3%. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên 5,3%, tuy nhiên các kỳ hạn trên 12 tháng đều giảm 10 điểm cơ bản dao động 5,4-5,6%.

Ở các ngân hàng quốc doanh, BIDV và Agribank, mức lãi suất huy động cao nhất đã giảm từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 12 – 36 tháng vào đầu tháng 9.

Động thái giảm lãi suất huy động của ngân hàng được cho là nhằm cân đối với việc hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặt khác trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vẫn đang duy trì mức thấp và liên tục giảm trong 3 tuần gần đây, cho thấy thanh khoản hệ thống đang dồi dào.

Lãi suất huy động tại một số ngân hàng tiếp tục giảm từ nửa cuối tháng 9. Ảnh: SeABank

Chiều ngược lại, một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động. Đơn cử, BaoViet Bank tăng 10 điểm cơ bản với lãi suất tiền gửi tiết kiệm Ez Saving, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên và một số kỳ hạn ngắn. PGBank cũng tăng lãi suất 20-40 điểm cơ bản tại một số kỳ hạn trên 12 tháng.

Tiến sĩ. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng diễn biến giảm lãi suất huy động thời điểm hiện tại chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng đang cân đối đầu vào, đầu ra, không phải là xu hướng của toàn thị trường.

Theo ông Lực, thực tế tiền gửi của dân cư vào ngân hàng trong 8 tháng đầu năm tăng rất thấp (khoảng 3%), tiền gửi của doanh nghiệp tăng khoảng gần 5%, trung bình tiền gửi chỉ tăng 4%. Trong khi đó, lạm phát 8 tháng tuy thấp nhưng vẫn đang trên đà tăng và tăng thấp chủ yếu do lực cầu yếu, vòng quay tiền chậm lại vì thế áp lực lạm phát vẫn còn. Cùng với đó, xu thế các nước bắt đầu tăng lãi suất trở lại thì rất khó để giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng và sâu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhận định việc một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay là tốt và phù hợp với chủ trương của NHNN nhưng giảm lãi suất huy động lại là một vấn đề lớn, cần xem xét trên nhiều khía cạnh.

Chuyên gia cho rằng giảm lãi suất huy động là điều mà người gửi tiền không mong muốn. Tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng rất chậm trong 8 tháng đầu năm, nếu bây giờ các ngân hàng giảm lãi suất thì e rằng tiền gửi khách hàng cá nhân sẽ tiếp tục giảm, tạo ra mất cân bằng thanh khoản.

Trong tháng 7, theo số liệu của NHNN, tiền gửi khách hàng trong hệ thống giảm 24.600 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Nguyên nhân là tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp giảm hơn 25.900 tỷ, trong khi tiền gửi dân cư tăng rất ít chỉ tăng hơn 1.200 tỷ đồng. Trong 4 năm gần đây, tốc độ tăng tiền gửi khu vực dân cư đang chậm lại.

Nguồn Trâm Anh / NDH
Bài cùng chuyên mục