TP.Hồ Chí Minh: Công ty Vikhapack tái xả thải ô nhiễm ra môi trường?
Nhiều hộ dân ở ấp 6, xã Phước Vĩnh An bức xúc khi Công ty TNHH bao bì Vĩnh Khang (Vikhapack) dù đã bị UBND huyện Củ Chi xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (212 triệu đồng), vẫn công khai tiếp tục xả thải ô nhiễm trong khi chính quyền địa phương không có biện pháp can thiệp.
Chính quyền “bất lực” chăng (?!)
Sau khi Tieudung.vn đăng tải 2 bài viết: TP Hồ Chí Minh: Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Khang xả chất thải độc hại ra môi trường, người dân kêu cứu (ngày 16/4/2019) và Vikhapack phủ nhận xả thải “bức tử” môi trường, người dân bức xúc (ngày 30/4/2019), phản ánh nổi khổ của người dân (ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) khi nhiều năm liền phải sống trong ô nhiễm do Công ty Vikhapack (toạ lạc tại số 34/2T, đường Cây Bài, ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) gây ra.
Thì đến ngày 2/5/2019, UBND huyện Củ Chi đã có văn bản đề nghị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Vikhapack chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh tham mưu UBND TP ban hành quyết định xử phạt 162 triệu đồng.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Vikhapack sai phạm, cụ thể trước đó (ngày 15/8/2018), UBND huyện Củ Chi đã từng ban hành quyết định xử phạt Vikhapack vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 50 triệu đồng.
Đồng thời, ở cả hai lần xử phạt nói trên, UBND huyện Củ Chi đều có điều khoản buộc Vikhapack phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, dù người dân địa phương nhiều lần phản ứng, báo chí lên tiếng, thậm chí UBND huyện Củ Chi xử phạt 2 lần, thì Vikhapack vẫn ngang nhiên tiếp tục xả thải ô nhiễm ra môi trường.
“Lãnh đạo của Vikhapack không có tình người, thử hỏi nếu những người hít phải khói thải độc hại là vợ con của họ thì họ sẽ xử lý thế nào? Rõ ràng vì lợi nhuận họ bất chấp sức khoẻ của chúng tôi, họ làm kinh doanh mà không hề coi trọng đạo đức. Thêm nữa việc chính quyền xã không một lần can thiệp, đang đẩy sự việc vượt khỏi sức chịu đựng của bà con chúng tôi”, chị C bức xúc.
Cũng theo chị C, trong cuộc họp khu phố ngày 23/6, đại diện lãnh đạo xã Vĩnh Phước An có hứa sẽ theo dõi và ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động sai trái của Công ty Vikhapack. Tuy nhiên, từ sau cuộc họp, Vikhapack vẫn xả thải bình thường trong khi UBND xã không giám sát và cũng không có bất cứ động thái quan tâm hay can thiệp nào.
Chị U, một trong những hộ dân trong khu vực cho biết: “Sau khi bị phạt tưởng rằng Vikhapack sẽ kiên dè một chút, nhưng không, họ xả thải lại ngay sau đó. Xả mạnh vào ban đêm, khói len lỏi vào tận phòng ngủ, gây ngứa ngáy kèm mùi hôi nồng nặc. Nhiều năm liền chúng tôi phải sống trong ô nhiễm bệnh tật còn chính quyền địa phương vẫn vô cảm đến đáng sợ”, chị U nhấn mạnh.
Để làm rõ những phản ánh của người dân, ngày 8/7, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Phước An, trả lời PV bà Hương cho rằng không thể phản hồi thông tin, phải đợi xin ý kiến Chủ tịch xã vì sự việc vượt quá thẩm quyền.
Trong hai ngày 8/7 và 12/7, PV nhiều lần gọi điện và nhắn tin cho ông Trà Thanh Tùng, Chủ tịch xã Vĩnh Phước An, tuy nhiên ông Tùng không nghe máy và cũng không trả lời tin nhắn sau mọi nỗ lực liên lạc của PV.
Nguỵ biện!
Trong khi chính quyền xã Vĩnh Phước An ngó lơ sự việc thì Công ty Vikhapack tiếp tục nguỵ biện, chối bỏ trách nhiệm đến cùng.
Trả lời Báo Kinh tế & Đô thị lần đầu tiên vào ngày 18/4 đại diện Công ty Vikhapack đã lên tiếng phủ nhận việc xả thải ô nhiễm ra môi trường. Tuy nhiên, đến ngày 2/5 UBND huyện Củ Chi đề nghị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (162 triệu đồng) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty Vikhapack (lần thứ 2). Kết quả này cho thấy những phủ nhận trước đó của phía công ty là sai sự thật.
Tiếp tục trong Email trả lời Báo Kinh tế & Đô thị lần thứ hai vào ngày 2/7, Vikhapack một lần nữa quanh co chối bỏ trách nhiệm khi cho rằng, Công ty đã thực hiện các biện pháp khắc phục từ khâu nguyên liệu đốt, được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ. Vừa qua công ty đã cải thiện lò hơi cũng như đốt nhiên liệu theo tỷ lệ hợp lý và các chỉ số môi trường đạt các yêu cầu.
Đồng thời, Vikhapack cam kết đã cải thiện chất lượng củi đốt, tỷ lệ đốt hợp lý đạt kết quả theo yêu cầu về môi trường. Về rác thải sinh hoạt hay rác thải công nghiệp công ty đều chuyển giao cho các đơn vị được cấp phép xử lý.
Ông Nguyễn Trọng Tín, đại diện Vikhapack khẳng định: “Về vấn đề khói trắng chúng tôi xác nhận là có, khói trắng xảy ra khi củi ép bị ướt (vào tháng mưa nên 1 phần củi bị ẩm). Vấn đề mùi hôi là hoàn toàn không có. Mùi hôi ở đây là do các hộ dân xung quanh chăn nuôi bò còn Công ty chỉ lấy củi để đun sôi nước, vấn đề có mùi hôi là không thể xảy ra. Chúng tôi đã cải thiện lò hơi và đã cho kiểm tra lại và đã đạt các yêu cầu về bụi, CO, CO2, Nox…”, vị này nói.
Phản bác lại những lập luận của phía Vikhapack đưa ra, anh Nguyễn Văn Bay, chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất Trọng Bình đối diện nhà máy của Vikhapack gay gắt: “Công ty xả khói trắng có mùi hôi nồng nặc gây đau đầu, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của hàng chục hộ dân, hàng trăm con người từ già trẻ lớn bé như thế mà lại bảo là do củi ướt, củi ướt gì mà ướt quanh năm, ướt từ năm này đến năm nọ. Mà giả sử củi ướt thật thì không lẽ họ không biết phơi khô trước khi dùng, Sài Gòn nắng nóng quanh năm mà lấy lí do củi ướt thì thật là nực cười”, anh Bay nói.
Đồng quan điểm với anh Bay, chị U cho rằng việc Vikhapack lý giải mùi hôi từ phân bò là vô cùng phi lý: “Lúc thì họ nói không có mùi hôi, lúc lại nói mùi hôi từ phân bò mà ra. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã gián tiếp thừa nhận có mùi hôi. Rõ ràng, mùi hôi từ phân bò phải tới gần mới ngửi thấy, còn khói hôi thì theo gió bay đi khắp nơi, ảnh hưởng trong một phạm vi rộng lớn”, chị U nhấn mạnh.
Theo nhiều hộ dân đang sinh sống tại ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi ngoài việc xả khói trắng có mùi hôi, trong những ngày mưa Công ty Vikhapack còn tranh thủ xả nước thải đen ngòm bốc mùi hôi thối ra môi trường. Những sai phạm của Vikhapack đã tồn tại từ nhiều năm qua, song những biện pháp xử phạt của cơ quan chức năng chỉ như “muối bỏ biển” không giải quyết triệt để được vấn đề.
Được biết, xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi) thuộc vùng ven TP.Hồ Chí Minh, người dân nơi đây vốn đã quen với cuộc sống trong lành, ít nhộn nhịp. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh vụ việc Công ty Vikhapack, trả lại cuộc sống bình yên cho bà con nơi đây.
Theo Tiểu Thuý/ Tieudung.vn