Chủ tịch Trương Sỹ Bá cùng Tân Long Group: Hệ sinh thái chìm trong nợ nần?

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 78 triệu cp của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, vốn điều lệ tương ứng là 780 tỷ đồng.

Trang trại chăn nuôi heo của BaF Việt Nam. Nguồn: BaF Việt Nam

BAF Việt Nam (BaF) được thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch, hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình chuỗi khép kín từ nguyên liệu thô, nhà máy cung cấp cám, trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ và chế biến thức ăn – mô hình 3F (Farm-Food-Feed). Công ty này được biết tới là một thành viên của Tân Long Group.

Vốn là một tập đoàn kín tiếng trên thị trường, đặc biệt về thông tin tài chính, Tân Long Group trước nay vẫn là một tấm màn đen với nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự xuất hiện của BAF Việt Nam đã phần nào hé mở một phần hệ sinh thái được gây dựng dưới bàn tay của Chủ tịch Trương Sỹ Bá.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group. Nguồn: TL

Mối quan hệ lằng nhằng giữa các thành viên của Tân Long Group

Mặc dù là một công ty chăn nuôi, tuy nhiên cấu trúc tài sản của BAF Việt Nam lại có tỷ trọng lớn từ các khoản phải thu – phải trả.

Tổng tài sản của công ty này tính đến cuối tháng 6/2021 đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, ngoài hàng tồn kho giá trị 1.233 tỷ đồng, phần lớn tài sản còn lại của doanh nghiệp này nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận hơn 4.626 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản. Trong khi đó, tài sản cố định của BAF chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ, gần 398 tỷ đồng, tức là chỉ hơn 5% tổng tài sản.

Qua tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, khi đi sâu hơn vào các khoản phải thu ngắn hạn, một danh sách dài các đối tác chiếm dụng vốn của BAF Việt Nam lại đến từ chính các công ty trong hệ sinh thái Tân Long Group và một số doanh nghiệp “thân” liên quan đến một tập đoàn tại Hà Nội.

Có thể kể đến một số khoản phải thu như: CTCP Tập đoàn Tân Long (645 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (567 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Thượng mại XNK Tân Thành Nam (430 tỷ đồng, Công ty TNHH ĐT Kinh doanh Nhật Tân (362 tỷ đồng), Công ty TNHH Nông nghiệp T&T (278 tỷ đồng)…

Đối ứng bên phần nguồn vốn, các khoản phải trả ngắn hạn cho các nhà cung cấp cũng chiếm tỷ trọng cao nhất, với gần 5.800 tỷ đồng, chiếm tới 2/3 tổng nguồn vốn của BAF Việt Nam.

Trong đó, những cái tên xuất hiện cũng tương tự như ở phần phải thu, là các thành viên liên quan đến Tân Long Group và một tập đoàn tại Hà Nội. Đơn cử như BaF nợ CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát hơn 954 tỷ đồng, CTCP CBOT Việt Nam 545 tỷ đồng, Công ty Nông nghiệp Bờ Biển Ngà hơn 552 tỷ đồng, Công ty TNHH SXTM DV Sơn Hưng gần 494 tỷ đồng, CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế hơn 410 tỷ đồng, CTCP Nông Nghiệp An Điền là 369 tỷ đồng …

Những con số này tạo nên một mạng lưới giao dịch chằng chịt giữa các công ty thành viên trong hệ sinh thái Tân Long Group. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở hoạt động kinh doanh thông thường.

Vay tiền ngân hàng bằng các hợp đồng giao dịch nông sản

Trong nửa đầu năm 2021, kết quả kinh doanh của BAF Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ, với khoản lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng. Một sự thay đổi được đánh giá là quan trọng cho việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, lợi nhuận chưa phải sự thay đổi lớn nhất của BAF Việt Nam.

Điều làm nên con số lợi nhuận cao đột biến trong nửa đầu năm nay một phần đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận gộp, nhưng cũng một phần quan trọng đến từ việc giảm chi phí lãi vay.

Nhìn từ báo cáo tài chính năm 2019 của BAF Việt Nam, công ty này từng ghi nhận khoản vay ngân hàng tới hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã được trả hết vào cuối năm 2020. Điều này đã khiến bảng cân đối của BAF Việt Nam trở nên “sạch hơn”.

Tuy vậy, nếu lần mở về quá khứ, một vấn đề khác của BAF Việt Nam và hệ sinh thái Tân Long Group xuất hiện.

Phía sau những hợp đồng giao dịch ghi nhận các khoản phải thu cao đột biến là những hợp đồng vay vốn được thế chấp bằng chính những khoản phải thu này.

Đặc biệt gần như hầu hết tất cả các khoản vay này đều được vay từ ngân hàng đối tác của 1 doanh nhân sở hữu tập đoàn lớn có trụ sở chính ở Hà Nội với hệ sinh thái từ bất động sản, ngân hàng, bóng đá, kinh doanh nông sản, nông nghiệp,… Có thể nói, đây là nguồn bơm tiền thường xuyên và “thân thiết” với hệ sinh thái Tân Long.

Theo báo cáo năm 2019, toàn bộ 1.844 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn của BAF Việt Nam đều do chi nhánh của một ngân hàng lớ tài trợ. Tài sản thế chấp cho khoản vay này là quyền đòi nợ liên quan đến các hợp đồng kinh tế giữa BAF Việt Nam và Tân Long Group, cùng một số công ty thành viên khác.

Dù đã thanh toán hết dư nợ, đưa bảng cân đối trở nên sạch hơn, nhưng BAF Việt Nam không phải là công ty duy nhất trong hệ sinh thái Tân Long dùng cách này để huy động vốn. Thực tế, những thành viên chủ chốt cũng áp dụng cách thức tương tự, và ngân hàng đối tác cũng là ngân hàng nói trên.

Như Công ty cổ phần Thăng Hoa, theo tài liệu chúng tôi có được, từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này đã ghi nhận một loạt hợp đồng tín dụng với một ngân hàng lớn cho các khoản vay được đảm bảo bằng các hợp đồng giao dịch với Tập đoàn Tân Long, Công ty cổ phần HUM hay ENERFO PTE.

Nguồn Minh Nhật/Nhà Báo và Công Luận
Bài cùng chuyên mục