5 gợi ý cho du lịch TP.HCM
Du lịch TP.HCM đã khởi động với những bước đi dè dặt nhưng hứa hẹn khởi sắc.
Dù số ca nhiễm và tử vong vẫn khá cao nhưng từ ngày 1/10, TP.HCM đã mở cửa sau mấy tháng phong tỏa. Các chốt chặn tháo gỡ, người dân phấn khởi dù đang đối mặt với không ít thử thách. Cùng lúc phải thực hiện đồng bộ 3 mục tiêu của tam giác đều là: Giảm lây nhiễm và tử vong – An Sinh – Phục hồi kinh tế.
Dịch bệnh giúp người dân TP.HCM nhìn lại hành xử với mảnh đất mình đang sống. TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch… của cả nước. Là trung tâm du lịch nhưng toàn làm tour đi các tỉnh, đi nước ngoài. Các tỉnh về thành phố chỉ trung chuyển, giỏi lắm là qua đêm. Ngay cả dân TP.HCM, hỏi về các điểm du lịch thành phố cũng ấm ớ.
Ngoài các điểm đến ấn tượng như địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, chợ Bến Thành, Chợ Lớn, Thảo Cầm Viên, công viên Suối Tiên, công viên Đầm Sen, Vàm Sát… thành phố còn có rất nhiều điểm nhấn bất ngờ kỳ thú. “Bụt nhà không thiêng” hình như là văn hóa phổ biến của người Việt? Mình chưa yêu khách đủ, làm sao rủ khách tới?
Nhiều cuộc họp, tọa đàm, hội thảo được tổ chức nhằm hiến kế phát triển du lịch thành phố. Ngoài những vấn đề lớn về giao thông, môi trường, hạ tầng, quy hoạch… Tôi xin mạo muội góp vài ý kiến nhỏ, có thể làm được và làm ngay.
Việc đầu tiên là tận dụng thế mạnh của hệ thống truyền thông trực thuộc. Cơ quan nào cũng có chuyên mục về du lịch trong và ngoài nước. Tại sao các cơ quan truyền thông thành phố chưa có chuyên mục định kỳ về “Đất nước & con người Sài Gòn – TP. HCM”?
Cần đưa việc này vào nội dung chính thức, nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch thành phố một cách rộng rãi và đồng bộ. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi viết, chụp ảnh, làm clip về về lịch sử, địa danh, góc phố, chợ, ẩm thực, các điểm selfie…
Thứ hai, nên quy định tỷ lệ sử dụng hình ảnh về du lịch thành phố khi trang trí, làm đẹp văn phòng, trụ sở để quảng bá. Làm thêm pano, bảng chỉ dẫn du lịch thành phố không chỉ ở trung tâm, sân bay, bến xe mà cả từ các tỉnh thành khác.
Các danh thắng không chỉ in trên sản phẩm lưu niệm mà có thể trang trí trên gối, ga của khách sạn; chén đĩa của nhà hàng. Tận dụng mọi lúc mọi nơi để PR một cách tinh tế và hiệu quả nhất. Việc này, tỉnh Cao Bằng đã làm rất hiệu quả để giới thiệu về thác Bản Giốc, núi Mắt Thần (Thiên Nhãn Sơn, núi Thủng).
Thứ ba, miễn thuế hoặc trợ giá một phần cho người dân thành phố, nhất là học sinh, sinh viên trải nghiệm các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử đặc trưng của thành phố như địa đạo Củ Chi, các bảo tàng, các công viên có bán vé; các tour xe buýt 2 tầng “Hop On Hop Off” tham quan thành phố, “Học lịch sử bằng kịch nói” của trường Đại học Sân khấu điện ảnh thành phố, “Tìm hiểu đất nước trên kênh Nhiêu Lộc”, “Đánh thức các bảo tàng” … Du lịch Campuchia miễn vé tham quan Angkor không chỉ cho người Khmer mà cho tất cả những người có nơi sinh là Vương quốc Campuchia, dù giá vé tới 37 USD/người/ngày.
Thứ tư, khuyến khích các tour đi xe đạp và chạy bộ tham quan, trải nghiệm các điểm đến của du lịch thành phố. Bắt đầu từ những điểm quanh nơi mình ở, từng bước nâng cự ly và cả số lượng tham gia. Vừa rèn luyện thân thể, vừa bảo vệ môi trường, giảm khí thải và phát triển loại hình du lịch 0 đồng. Các tour đợi bình minh, tiễn hoàng hôn, ngắm sao, ngoạn trăng trên kênh, rạch, các cao ốc và vùng ngoại thành… thú vị hơn ta tưởng.
Thứ năm, tập trung chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật thông tin về du lịch thành phố trên Google. Từ các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm, di chuyển… tới từng địa danh, điểm đến, thời vụ.
Đây là kênh thông tin phổ cập, uy tín được sử dụng nhiều nhất. Loại hình PR tiện lợi, rẻ tiền và hiệu quả nhất nhưng đang bị lãng phí, rất đáng tiếc. Cần bắt tay thực hiện ngay việc làm này như một khâu đột phá, tiên phong cho các tỉnh thành khác.
Rất nhiều điểm đến kỳ thú của TP.HCM chưa được chú ý như nhà thờ Chợ Quán (đường Trần Bình Trọng, quận 5), xây dựng từ 1882, là nhà thờ cổ nhất TP.HCM. Bên cạnh là mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) do ông tự thiết kế. Ông chuyên mặc áo dài khăn đóng, thông thạo 27 ngôn ngữ. Năm 1874, thế giới có cuộc chọn bầu “Toàn Cầu Bác Học Danh Gia”. Petrus Trương Vĩnh Ký được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 “Thế Giới Thập Bát Văn Hào” (Tạp chí Xưa & Nay số 46B, tháng 12/1997).
Chùa Vạn Phật (đường Nghĩa Thục, quận 5), kiến trúc nhà phố hình hộp nhưng độc đáo với trên 10.000 tượng Phật lớn nhỏ. Nhà xưa nhất Sài Gòn (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) được Nguyễn Ánh (Gia Long, 1762 – 1820) xây dựng cho giám mục Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc, Cha Cả 1741 – 1799). Trong khu dân cư Hải Yến (Bình Hưng, Bình Chánh) có bộ sưu tập đồng hồ hơn 30.000 chiếc…
Ẩm thực và shopping TP.HCM có cả tinh hoa thế giới. Nhiều món dân dã mà ngon “bẻ rổ” (bổ, rẻ). Cần Giờ có “Tiết canh sò huyết”, “Gỏi lá lìm kìm”, “Canh chua cá thòi lòi”, “Chả ba khía”, “buffet hàu”… Bình Chánh có các món từ đọt choại (rau choại). Củ Chi có những biến tấu từ khoai mì, rau móp, rau bép (lá nhíp) và kính thưa các món bò tơ…
TP.HCM có nhiều chợ nhất Việt Nam và thuộc top các thành phố có nhiều chợ nhất thế giới. Từ chợ chồm hổm, chợ online đến chợ đầu mối. Từ sạp hàng bé tẹo chân quê đến các trung tâm thương mại hoành tráng châu lục. Từ chợ xưa bán đồ cổ, trao đổi hàng đến chợ Nga, chợ Cam, chợ Thái, chợ Ấn, chợ Hàn, chợ Nhật, chợ Âu…
Du lịch TP.HCM có cả đường thủy (hơn 5.000km sông, rạch); đường bộ (gần 10.000km đường, hẽm)… đi cả tuần chưa xuể.
“Đố ai tìm được khắp chân trời góc bể. Môt thành phố trẻ măng nhưng lịch sử rất lạ lùng” (Trường ca Khởi nghĩa – Hưởng Triều). TP.HCM mới 323 năm (từ 1698), quá trẻ so với Hà Nội (từ 1.010), càng trẻ so với lịch sử đất nước.
Nhìn từ góc độ nào, thành phố cũng lạ lùng và luôn mới mẻ. TP.HCM hào nghĩa là chốn an cư mơ ước của rất nhiều người Việt, là “Hợp chủng tỉnh” của Việt Nam.