Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp thời đại số
Ngày 23/7, tại Trung tâm báo chí TPHCM, báo Tiền Phong tổ chức hội thảo Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp thời đại số, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp và các đơn vị thông tin truyền thông.
Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố hiện có 30 cơ quan báo chí đang hoạt động gồm: 16 báo, 12 tạp chí, 1 đài truyền hình và 1 đài tiếng nói nhân dân Thành phố. Trong đó, có 11 cơ quan báo chí có phiên bản điện tử. Ngoài ra, có 161 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương khác đã đăng ký hoạt động trên địa bàn. Bên cạnh đó, ông cũng nêu ra thực trạng, hiện nay có một số cơ quan tạp chí trung ương chưa đăng ký, đang trong diện rà soát để quản lý.
Các đại biểu đều đồng thuận rằng truyền thông kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đi kèm với đó là không ít những thách thức.
Để xây dựng chính sách phát triển và quản lý truyền thông kỹ thuật số thành công, cần đến tư duy nhận thức của những nhà khởi nghiệp đầy hoài bão và chuyên nghiệp; giúp sức từ các quỹ đầu tư rủi ro, mạo hiểm và các tổ chức thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường, liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và với vai trò cá nhân tham gia hoạch định chính sách công tâm và thấu hiểu.
Ngoài ra, mỗi cá nhân tham gia truyền thông kỹ thuật số, môi trường mạng ảo cần nghiêm túc chấp hành luật pháp về bảo mật thông tin, an ninh mạng và các quy định của pháp luật, có ý thức trách nhiệm giữ gìn văn hóa, trong giao tiếp, không làm tổn thương trên cộng đồng mạng, định hướng truyền thông tin có lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước.
Mục tiêu là nhằm giải quyết thế nào cho các doanh nghiệp định hướng xây dựng thương hiệu truyền thông trong thời đại số, giải quyết khủng hoảng nếu xảy ra; Nhận diện hiện trạng truyền thông kỹ thuật số, những vấn đề, thách thức, quản lý như thế nào. Các đơn vị, doanh nghiệp có thái độ, ứng xử, chiến lược như thế nào để xây dựng thương hiệu, xử lý khủng hoảng nếu xảy ra…
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Một số đơn vị truyền thông thông tin thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, có khi không phải vô tình mà là cố ý. Doanh nghiệp mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu; nhưng chỉ cần qua một khủng hoảng truyền thông là có thể phá sản chỉ trong thời gian ngắn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp, đám đông luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình, nhất là một số tin đồn thất thiệt trên mạng khiến báo chí rất dễ bị rơi vào “bẫy, dễ dẫn tới “khủng hoảng truyền thông”. Do đó, khi đưa tin về doanh nghiệp, nhà báo luôn phải tỉnh táo giải mã các hiện tượng tin đồn trong xã hội, nhất là những thông tin trên mạng xã hội gây bất lợi cho các doanh nghiệp, từ đó tạo dựng mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trở nên gắn bó mật thiết hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có chiến lược và chiến thuật để xử lý khủng hoảng trước những tin đồn thất thiệt trong môi trường truyền thông số.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN, một nền báo chí giàu tính chiến đấu và tính nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Thời cuộc càng biến động, xã hội hiện đại càng chịu nhiều áp lực, va đập của nhiều xu hướng, hiện tượng trong thời đại thông tin kỹ thuật số thì cùng với tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí càng phải được đề cao. Đó là lúc báo chí vừa phục vụ công cuộc phát triển đất nước vừa bảo vệ bình yên xã hội, bình yên dưới những nếp nhà, bình yên trong lòng người. Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đều có cách làm riêng của mình để phụng sự, để tồn tại và phát triển, vượt qua những thách thức trong kỷ nguyên số, trong áp lực tự quản, tự chủ về tài chính… Nhưng những nguyên tắc cơ bản, những giá trị phổ quát, trong đó có giá trị đạo đức nghề nghiệp và luật pháp phải luôn được những người làm báo tuân thủ, thực hiện nghiêm túc, cùng nhau xây dựng một nền báo chí dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
Các đại biểu cũng hy vọng hội thảo này sẽ cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm thực tế để cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận toàn diện hơn, đưa ra giải pháp quản lý để môi trường truyền thông trong sạch, tận dụng sức mạnh của truyền thông kỹ thuật số và hạn chế bớt mặt trái.
Theo PV/ Công Luận