Phó chủ tịch UBND TP. HCM: Covid-19 thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0
Phó chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức đánh giá, dù Covid-19 gây nhiều tác động toàn cầu, song nhìn ở góc độ khác cũng giúp đẩy mạnh triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Covid-19 giúp đẩy mạnh triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Phát biểu ở đầu cầu TP. HCM tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) trong chương trình “Dấu ấn Techfest và Whise 2021”, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết trong hai năm xuất hiện Covid-19, nền kinh tế thành phố ảnh hưởng nặng nề. GRDP từ mức tăng 7,8% năm 2019 xuống còn 1,36% năm 2020, dự báo tăng trưởng năm nay sẽ âm 5%. Tức là, so với mục tiêu tăng trưởng 6% thì bị mất đi 11%. Với quy mô GRDP 65 tỷ USD, thành phố mất khoảng 7 tỷ USD.
Đến nay, TP. HCM cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh, đã tiêm khoảng 15 triệu mũi vaccine. Trong đó, trên khoảng 90% người dân từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi.
Ông Đức cho biết, TP. HCM xác định thực hiện ba trụ cột, gồm kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế và an sinh xã hội. Dù Covid-19 gây nhiều tác động toàn cầu, song theo ông Đức, nhìn ở góc độ khác cũng giúp đẩy mạnh triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phó chủ tịch UBND TP. HCM chỉ ra, năm 2021 là năm phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, với hệ sinh thái thu hút 1,1 tỷ USD chiếm 60% lượng vốn và thương vụ cả nước. Trong số 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP. HCM, có đến 65% thuộc lĩnh vực công nghệ.
“Chúng tôi kỳ vọng Dấu ấn Techfest và Whise 2021 không chỉ mang lại thông điệp vai trò, giữ lửa đổi mới sáng tạo mà phát huy vai trò định hướng, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, giúp vượt qua các thách thức và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, Phó chủ tịch TP. HCM nói.
Đánh giá từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định đối với doanh nghiệp để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Không có chính sách mới sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội
Tại sự kiện, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao là đầu mối phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung một số nội dung của đề án 844 cho phù hợp với thực tế. Ông nhận định, nếu không có chính sách mới sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội.
“Trước đây, hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ làm việc kết nối trong hệ sinh thái, giữa người làm khởi nghiệp với nhà đầu tư. Đến 2021, chúng tôi chọn cách tiếp cận kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp”, Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đã kết nối 500.000-600.000 chuyên gia tri thức có trình độ trên đại học trở lên trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là mạng lưới các Hội trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, đến từ 15 quốc gia trên thế giới. Hiện, nhiều chuyên gia kiều bào người nước ngoài làm cố vấn (mentor) để hỗ trợ các startup trong nước.
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, một yếu tố chiến lược của Israel là huy động nguồn vốn Nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển. Họ dành đến 4,9% GDP cho nghiên cứu, phát triển và có cơ quan về đổi mới sáng tạo. Cơ quan này đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp startup, tương đương như một Bộ để điều phối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP. HCM (Whise) là sự kiện thường niên về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cộng đồng tại thành phố, cũng là cơ hội đặc biệt để tổng kết hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2021 trên địa bàn thành phố.