Độc đáo lớp học “2 trong 1”, “3 trong 1” tại TPHCM
Lớp học “2 trong 1”, “3 trong 1” là những lớp học đặc biệt tại TPHCM, đảm bảo an toàn phòng dịch và duy trì việc dạy và học trong dịch COVID-19.
Những lớp học “2 trong 1”, “3 trong 1”
Những ngày này, thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, giáo viên Vật lý, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 bắt đầu tiết dạy trực tiếp tại lớp 9/6 bằng việc hỏi thăm sức khỏe học sinh qua “cầu truyền hình”: “L.A đã khoẻ chưa con, nếu chưa ổn thì con cứ nghỉ, thầy sẽ hỗ trợ bài vở sau cho con”.
L.A là học sinh F0 trong lớp, phải chuyển sang học trực tuyến cùng tiết học trực tiếp của 44 học sinh khác của lớp 9/6. Lớp được chia thành 2 phòng học. Trong tiết dạy, thầy Vũ sẽ giảng trực tiếp tại một phòng học có gắn camera, tiết học được truyền hình trực tiếp qua phòng học kế bên và truyền đến L.A qua phần mềm Zoom, Google Meet.
Vừa dạy trực tiếp, vừa cầu truyền hình, vừa trực tuyến, theo thầy Vũ, lớp học “2 trong 1”, “3 trong 1” là hình thức tổ chức lớp học mới, linh hoạt, đảm bảo an toàn trong mùa dịch song vẫn đáp ứng yêu cầu tiếp thu kiến thức, tương tác của học sinh. Lúc đầu, học sinh cũng lạ lẫm, nhiều em còn thiếu sự tập trung nhưng hiện nay đã rất ổn định. Ngoài giáo viên bộ môn giám sát, tiết học còn có thêm bộ phận giám thị thường xuyên nhắc nhở học sinh.
“Để thích ứng với cách thức tổ chức lớp học này giáo viên phải có sự chuyển đổi, uyển chuyển trong phương pháp giảng dạy. Đơn giản là thay đổi một vài thói quen như viết chữ to hơn, thường xuyên tương tác với lớp bên “cầu truyền hình” để các em có sự tập trung. Khi lớp học được chia thành 2 thì phải luân phiên để học sinh được học trực tiếp và có sự giám sát với lớp còn lại”, thầy Vũ bày tỏ.
Mô hình lớp học “2 trong 1” cũng đang được Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức) áp dụng triển khai khi dạy và học trực tiếp. 18 lớp 12 kết hợp dạy song song giữa trực tiếp và trực tuyến trong cùng một tiết dạy, đảm bảo những học sinh chưa tham gia học trực tiếp vẫn tiếp thu được kiến thức và tương tác với giáo viên.
“Học sinh F0, F1 sẽ cùng tham gia thời khóa biểu trực tiếp qua phần mềm K12 hoặc Google Meet. Tổ trưởng chuyên môn mỗi môn học sẽ soạn thêm tài liệu bổ trợ gửi đến để các em ôn tập”, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Đánh giá phương thức dạy kết hợp sẽ giúp việc dạy và học không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, thầy Trung nhận định, phương pháp này đặt ra nhiều yêu cầu mới cho giáo viên. Không chỉ quan tâm đến học sinh trên lớp, giáo viên còn phải lưu tâm đến học sinh tại nhà, linh hoạt ngay từ phương pháp dạy trong cùng 1 tiết học.
“Nhà trường chuẩn bị 20 phòng học có mạng wifi để giáo viên dạy online cho học sinh khi dạy trực tiếp. Tới đây, khi mở rộng thêm các khối lớp khác trở lại trường, các phòng học online sẽ được tăng cường thêm để thích ứng với việc dạy học trong bình thường mới”, thầy Trung nói.
Sáng tạo trong dịch bệnh
Trường THPT Nguyễn Công Trứ triển khai lớp học “2 trong 1” ngay từ khi dạy học trực tiếp. Song, thay vì rải rác ra từng lớp, hơn 40 học sinh không tham gia học trực tiếp trong toàn khối 12 được xếp thời khóa biểu tập trung theo thời khóa biểu học trực tiếp của lớp 12A1.
Cô Lý Thị Hồng Thắm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong mỗi tiết học trực tiếp, giáo viên bộ môn sẽ mở thêm lớp học trực tuyến dành cho những học sinh chưa thể tham gia học trực tiếp. Khi dạy, thầy cô sẽ dành nhiều quan tâm hơn đến học sinh học trực tuyến, cố gắng đưa không khí lớp học trực tiếp đến các em.
Là hình thức dạy học mới, giáo viên sẽ “cực” hơn khi phải thực hiện song song cùng lúc nhiều vai trò trong cùng một tiết học. Vừa tổ chức tiết học trực tiếp đảm bảo các quy định an toàn về phòng dịch, vừa thiết kế sao cho học sinh học trực tuyến hiệu quả. “Đây là yêu cầu hết sức mới nhưng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Phương thức này cũng có thể phát huy hiệu quả khi thành phố cho phép học sinh các khối lớp khác trở lại trường trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất như hiện nay”, cô Thắm đánh giá.
Trong khi đó, duy trì việc dạy và học trực tiếp trong bối cảnh dịch, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) chuẩn bị riêng 3 lớp học có gắn máy chiếu, ti vi, cài đặt phần mềm học trực tuyến với hệ thống wifi mạnh. Các phòng học đặc biệt này nhằm phục vụ các tiết dạy và học khi giáo viên là F0 hoặc bị cách ly.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, khi giáo viên không thể tham gia dạy trực tiếp tại trường, tiết học sẽ được chuyển sang trực tuyến. Học sinh sẽ di chuyển sang những phòng học đặc biệt để tham gia. Giáo viên ngồi tại nhà giảng online còn học sinh học trực tiếp trên lớp cùng sự quản lý của giám thị.
Theo thầy Tuấn, từ thực tế dạy học thích ứng trong dịch bệnh sẽ phát sinh thêm những tình huống mới. Để giáo viên, học sinh không bị động, hoang mang thì trước mọi thay đổi, nhà trường đều phải làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, từ đó có sự đồng hành, hợp tác.
“Dạy và học trong điều kiện bình thường mới, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như đặc thù về đối tượng học sinh, giáo viên, từng nhà trường sẽ có sự sáng tạo trong hình thức dạy và học. Quan trọng nhất là tạo tâm thế chủ động, thích ứng cho thầy cô, học sinh và cả phụ huynh”, hiệu trưởng Tuấn nhận định.