Nắm những quy định này, sẽ không còn “bối rối” khi áp dụng giảm 2% thuế VAT

Tổng cục Thuế đã nêu ra 6 lưu ý trong việc áp dụng quy định giảm 2% thuế VAT để người dân, doanh nghiệp biết được quyền lợi và thụ hưởng lợi ích của việc giảm thuế VAT.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% kỳ vọng kích cầu tiêu dùng (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong 3 phụ lục đi kèm Nghị định 15. Với những quy định này, nhiều doanh nghiệp phản ánh là đang “rối như canh hẹ” vì có nhiều vấn đề phát sinh như, doanh nghiệp gặp vướng mắc và khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu. Một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất. Ví dụ, nguyên liệu đầu vào không được giảm thuế, nhưng sản phẩm đầu ra không nằm trong phụ lục không được giảm VAT thì liệu sản phẩm đó có được giảm không,…

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Nguyễn Anh Chi, chủ một công ty in ấn, photocopy tại Hoàng Mai, Hà Nội băn khoăn, Nghị định 15 quy định việc giảm thuế áp dụng thống nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại, tuy nhiên, khi xuất hoá đơn có được giảm 2% VAT không, vì đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10% mà giấy thì 8%. Việc dò danh mục cũng gây mất khá nhiều thời gian cho bộ phận kế toán, đồng thời còn phải khớp với các danh mục đầu vào, đầu ra cho xuyên suốt, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chưa biết cách tính toán thế nào cho phù hợp.

Hay như trao đổi của chị Trần Thị Ngọc Mây, kế toán một công ty thương mại tại Hà Nội chia sẻ, chị đang gặp khó khăn cho việc xác định mã sản phẩm áp dụng mức thuế, vì khi xuất hóa đơn hàng hóa ở khu vực miền Bắc thì được áp mức thuế 8%, nhưng mỗi khu vực, vùng miền có cách xác định mã sản phẩm khác nhau, dẫn đến mức áp thuế khác nhau. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tra soát chính xác hơn, bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

Với những vấn đề trên, theo Tổng Cục thuế, có một số những lưu ý về về giảm thuế VAT theo Nghị định 15 như sau:

Một là, nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm 2% thuế giá trị gia tăng: hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định Luật thuế GTGT và nằm ngoài danh mục hàng hóa dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo NĐ15.

Lưu ý: các mặt hàng ô tô; rượu, bia, xì – gà, … không được giảm thuế GTGT (không phải chỉ ở khâu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mới không được giảm, còn các khâu khác được giảm).

Hai là, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán: được ghi giảm thuế GTGT trên hóa đơn khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo từng lần phát sinh.

Ba là, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Bốn là, trường hợp đã lập hóa đơn theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo Nghị định 15 thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.

Năm là, trường hợp đã lập hóa đơn theo thuế suất 8% nhưng không tách riêng hàng hóa dịch vụ thuế suất khác nhau thì người nộp thuế phải lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn đã lập, tách riêng hóa đơn có thuế suất 8%.

Sáu là, hàng hóa, dịch vụ đã bán/cung cấp trong tháng 1/2022, đến tháng 2/2022 mới xuất hóa đơn thì không được áp dụng giảm thuế GTGT.

Ngoài ra, liên quan đến Công điện số 02 do Tổng cục Thuế vừa ban hành, nếu mặt hàng thuộc diện được giảm thuế nhưng không xuất hoá đơn giảm sẽ bị xử lý nghiêm, khiến hàng loạt kế toán bày tỏ sự lo lắng. Về vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế lý giải, do thời gian ban hành Nghị định sát với thời gian nghỉ lễ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dẫn đến nội dung của Nghị định chưa được người dân, doanh nghiệp tiếp nhận một cách đầy đủ.

Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đã ban hành công điện yêu cầu các Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế VAT trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế VAT trong năm 2022. Theo đó, thông tin để người mua biết được quyền lợi và thụ hưởng lợi ích của việc giảm thuế VAT.

 

NguồnDiễm Ngọc/Diễn đàn Doanh nghiệp
Bài cùng chuyên mục