Ngân hàng Việt nào đang dẫn đầu về mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch?

Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch phản ánh phần nào về quy mô hoạt động, độ bao phủ về thương hiệu của một ngân hàng. Vậy ngân hàng Việt nào đang dẫn đầu về mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch tại Việt Nam?

Quy định về mạng lưới hoạt động của Ngân hàng thương mại (NHTM)

Mạng lưới hoạt động của NHTM tại Việt Nam đang được quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung có liên quan (Thông tư 21). Theo đó, để được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch thì NHTM cần đáp ứng đầy đủ những tiêu chí định tính và định lượng trong Thông tư.

Xét về tiêu chí định lượng, số lượng chi nhánh của một NHTM được thành lập phải đảm bảo quy định: 300 tỷ đồng x N1 50 tỷ đồng x N2 < C, trong đó:

C là giá trị thực của vốn điều lệ của NHTM đến thời điểm đề nghị. N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh. N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

Số lượng chi nhánh được phép thành lập trong 01 năm tài chính đối với các NHTM có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên là không vượt quá 05 chi nhánh.

Ngân hàng Việt nào đang dẫn đầu về mạng lưới hoạt động?

Số liệu bài viết được tác giả tổng hợp từ Báo cáo tài chính tính đến 31/12/2021 của các NHTM Việt Nam. Những ngân hàng chưa có số liệu tính đến 31/12/2021 hoặc số liệu về mạng lưới hoạt động không đầy đủ được loại trừ (ngoại trừ Agribank số liệu tính đến 30/06/2021; DongA Bank số liệu tính đến 31/12/2013). Các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank tạm gọi là nhóm “NHTM Nhà nước”. Các ngân hàng còn lại tạm gọi là nhóm “NHTM Tư nhân”.

Ngân hàng có mạng lưới chi nhánh dẫn đầu?

Dẫn đầu về mạng lưới chi nhánh vẫn thuộc về nhóm NHTM Nhà nước. Trong đó, Agribank luôn giữ vị trí ngân hàng có mạng lưới chi nhánh nhiều nhất với 939 chi nhánh (171 chi nhánh loại I, 768 chi nhánh loại II). Xếp theo sau là BIDV (189 chi nhánh), Vietinbank (155 chi nhánh), Vietcombank (121 chi nhánh). Trong nhóm NHTM Nhà nước, BIDV được hưởng lợi về mạng lưới sau khi MHB sáp nhập vào BIDV năm 2015.

Trong nhóm NHTM tư nhân, vị trí dẫn đầu thuộc về Sacombank với 109 chi nhánh. Xếp theo sau lần lượt là MB (99 chi nhánh), LienVietPostBank (76 chi nhánh), HDBank (72 chi nhánh), VPBank (66 chi nhánh), MSB (62 chi nhánh),…Sacombank và HDBank nằm trong top NHTM Tư nhân dẫn đầu về mạng lưới một phần nhờ vào thương vụ M&A những năm trước đó; Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, HDBank nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á. LienVietPostBank (76 chi nhánh) và TPBank (53 chi nhánh) là hai ngân hàng có số lượng chi nhánh khá ấn tượng mặc dù mới được thành lập năm 2008.

DongA Bank cũng là cái tên “ấn tượng” về mạng lưới chi nhánh. Mặc dù, bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015, nhưng Dong A Bank vẫn cho thấy “đẳng cấp” của mình về mạng lưới chi nhánh khi có đến 56 chi nhánh trải dài các tỉnh/thành phố trong cả nước (số liệu tính đến 31/12/2013). Cách đây 9 năm, mạng lưới chi nhánh của nhà băng này đã “phủ sóng” hầu hết các tỉnh/thành phố phía Nam.

Xét về số lượng tăng trưởng tuyệt đối chi nhánh

TPBank là cái tên đáng được “quan tâm”. Ngân hàng này đã tăng 14 chi nhánh so với thời điểm 21/12/2020 (tăng trưởng 35,9%). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 21, đối với NHTM có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên được phép thành lập không quá năm (05) chi nhánh trong một năm tài chính. Như vậy, số liệu chi nhánh của TPBank tăng “đột biến” so với quy định nhà nước.

Các ngân hàng còn lại có mức tăng từ 1 đến 5 chi nhánh so với thời điểm 31/12/2020 như Vietcombank, HDBank (tăng 5 chi nhánh); VPBank (tăng 4 chi nhánh); Bản Việt (tăng 3 chi nhánh); OCB (tăng 2 chi nhánh); Bắc Á và Nam A Bank (tăng 1 chi nhánh).

Ngân hàng có mạng lưới Phòng Giao dịch (PGD) dẫn đầu?

 

Nhóm NHTM Nhà nước tiếp tục dẫn đầu về mạng lưới PGD. Trong đó, Agribank (1.286 PGD) nắm giữ vị trí cao nhất và bỏ xa các ngân hàng còn lại. Xếp sau Agribank lần lượt là BIDV (895 PGD), LienVietPostBank (480 PGD), Vietcombank (472 PGD), Sacombank (443 PGD). Hầu hết các ngân hàng từng thực hiện M&A nằm trong nhóm dẫn đầu về mạng lưới PGD như BIDV, Sacombank, HDBank.

LienVietPostBank là NHTM tư nhân không trải qua thương vụ M&A với ngân hàng nhưng liên kết với VNPost nên có mạng lưới PGD khá “ấn tượng”. Chỉ xếp sau BIDV và Agribank. Nếu xét thêm 613 PGD Bưu điện thì mạng lưới PGD của LienVietPostBank (1.093 PGD) chỉ xếp sau Agribank và trở thành NHTM tư nhân có mạng lưới PGD nhiều nhất tại Việt Nam.

LienVietPostBank là NHTM khá “đặc biệt” khi ngoài việc tổ chức mạng lưới chi nhánh, PGD theo Thông tư 21, LienVietPostBank còn được vận hành mô hình PGD Bưu điện theo Thông tư số 43/2015/TT-NHNN (Thông tư 43). PGD Bưu điện hoạt động theo Thông tư 43 là đơn vị phụ thuộc LienVietPostBank được đặt tại Bưu cục hoặc Điểm bưu điện văn hóa xã thuộc hệ thống mạng lưới của VNPOST và thực hiện các dịch vụ ngân hàng hạn chế. Lợi thế này, giúp LienVietPostBank mở rộng địa bàn hoạt động và hướng dịch vụ ngân hàng đến đối tượng khách hàng tại vùng nông thôn, vùng sâu.

Xét về số lượng tăng trưởng tuyệt đối PGD

TPBank tiếp tục là nhà băng có số lượng PGD tăng “nóng”. Trong năm 2021, TPBank tăng 21 PGD (tăng khoảng 45,7%) so với thời điểm 31/12/2020. Xếp theo sau lần lượt là HDBank (tăng 16 PGD), Bản Việt (tăng 5 PGD).

Ngân hàng có mạng lưới điểm giao dịch nhiều nhất?

Mạng lưới “điểm giao dịch” được xem xét là chi nhánh, PGD được tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là “điểm”).

Nhóm NHTM Nhà nước mặc nhiên giữ vị trí dẫn đầu về mạng lưới điểm giao dịch nhiều nhất. Agribank (2.225 điểm) là ngân hàng có mạng lưới điểm giao dịch nhiều nhất. LienVietPostBank (556 điểm), Sacombank (552 điểm), ACB (371 điểm), HDBank (326 điểm) là các ngân hàng dẫn đầu về mạng lưới điểm giao dịch thuộc nhóm NHTM Tư nhân. Nếu xét thêm 613 PGD Bưu điện thì LienVietPostBank (1.169 điểm) là NHTM tư nhân có số lượng điểm giao dịch đứng thứ hai (chỉ sau Agribank) trong hệ thống NHTM Việt Nam và đứng thứ nhất trong hệ thống NHTM Tư nhân.

Xét về số lượng tăng trưởng tuyệt đối điểm giao dịch

TPBank (35 điểm), HDBank (21 điểm) là hai ngân hàng có số lượng điểm giao dịch tăng nhiều nhất trong năm 2021. Xếp sau lần lượt là Bảo Việt (8 điểm), VPBank (5 điểm), OCB (2 điểm) và Nam A Bank (1 điểm).

Nhìn chung, nhóm NHTM Nhà nước vẫn tiếp tục giữ vững vị thế về độ bao phủ mạng lưới hoạt động tại thị trường tiền tệ Việt Nam với vị trí dẫn đầu luôn thuộc về “ông lớn” Agribank. LienVietPostBank là NHTM tư nhân hiếm hoi đủ sức cạnh tranh về mạng lưới hoạt động khi được tổ chức hoạt động hệ thống PGD Bưu điện theo Thông tư 43.

Lê Hồng Thái

NguồnLê Hồng Thái/Nhịp Sống Kinh Tế
Bài cùng chuyên mục