Ngắm nhìn vẻ “vô thực” của những tà áo dài trong BST “Giấc mơ” tại Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tiếp tục đưa ra những 'kiệt tác' áo dài gây nức lòng phái nữ trong BST mới nhất.
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đã trở nên một tên tuổi quá đỗi quen thuộc với các show diễn thời trang áo dài được đầu tư công phu trong và ngoài nước. Tháng 11 năm 2021, NTK đã đem bộ sưu tập áo dài lớn đến Mỹ trong sứ mệnh quảng bá áo dài Việt Nam. Và tại Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 một lần nữa tên tuổi và BST “Giấc mơ” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã gây tiếng vang lớn.
Với cương vị vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ áo dài Việt Nam, cùng hàng loạt những bộ sưu tập được trình diễn tại các tuần lễ thời trang thế giới Paris, New York… nên NTK này luôn đau đáu trong mình sứ mệnh giới thiệu văn hoá áo dài đến bạn bè thế giới. Là một nhà thiết kế được đánh giá luôn dẫn đầu xu hướng áo dài, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam với các thiết kế riêng có xen lẫn truyền thống và bắt nhịp xu hướng thời trang thế giới. Tất cả đã được thể hiện rõ nét qua BST lần này anh mang đến.
Tại lễ hội này, công chúng đã được chiêm ngưỡng 15 bộ sưu tập áo dài với các ý tưởng thiết kế táo bạo, nổi bật của các nhà thiết kế nổi tiếng với hơn 300 mẫu áo dài được thể hiện theo 4 chủ đề chính gồm: Cội nguồn, Thăng hoa, Hội nhập và Thành phố tôi yêu.
Tuy nhiên, nổi bật phải kể dến là BST áo dài Giấc mơ của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam được đánh giá là điểm sáng tiêu biểu cho chủ đề Hội nhập đưa áo dài vươn ra biển lớn
Điều đặc biệt tạo nên nét truyền thống, cổ xưa, vừa sang trọng, quyến rũ, thời thượng của những tà áo dài chính là nhờ kỹ thuật xử lý phom dáng của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Từ hoạ tiết đến chất liệu, những thiết kế nằm trong bộ sưu tập Giấc mơ có một sức hút khó cưỡng đối với phái đẹp
Chính những màu sắc rực rỡ, tươi vui trong các thiết kế áo dài Giấc Mơ đã thể hiện thông điệp về những hy vọng của một cuộc sống mới bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, chiến thắng đại dịch COVID-19.
Những tác phẩm áo dài được thực hiện bởi hàng trăm người thợ thủ công từ các làng nghề truyền thống từ các làng nghề thủ công nổi tiếng như: Thường Tín, Chương Mỹ, Mỹ Đức… của Hà Nội.
Dày công liên tục từ 6 tháng đến một năm, các nghệ nhân mới có thể tạo nên những mẫu áo dài vượt ra khỏi ranh giới của một sản phẩm may mặc để nâng tầm lên là những tác phẩm nghệ thuật.
Toàn bộ các trang phục đều mang tông chủ đạo như vàng, xanh lam, cam tạo nên hình ảnh tươi trẻ và sôi động cho những bộ trang phục cho mùa Xuân Hè.
Các NTK nhận hoa lưu niệm của BTC đêm khai mạc Lễ hội Áo dài Tp.HCM.
Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 năm 2022 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” như một lời khẳng định TPHCM đã trở thành vùng an toàn với dịch Covid-19.
Thu Ngân