Chuyện ít biết về nhà sáng lập Sơn Kim Group: Chồng mất sớm, “1 nách 5 con” nhưng vẫn thành công rực rỡ tạo nên cả “đế chế” kinh doanh đa ngành
Mặc dù không còn trực tiếp điều hành kinh doanh Sơn Kim Group, nhưng bà Nguyễn Thị Sơn - nhà sáng lập Sơn Kim Group vẫn luôn là một nữ cường nhân thực sự của giới kinh doanh Việt Nam. Chưa kể, bà còn được rất nhiều người nể phục khi nuôi dạy 5 người con cực kì thành đạt.
“Start-up” tuổi 18 thành công rực rỡ và con đường kinh doanh lắm thăng trầm
Nhắc đến bà Nguyễn Thị Sơn – người ta nghĩ ngay đến “nữ cường nhân” sành sỏi trong giới kinh doanh, là “bà chủ” của gia tộc Kim Sơn.
Bà là mẹ của 5 doanh nhân có sự nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau, gồm bất động sản (Sơn Kim Land), kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng (Sơn Kim Retail), dược phẩm (Nanogen-Bio), thiết kế nội thất (Duy Quân), trà – cà phê (Golden Moutain), sản xuất hàng thời trang (VERA), bán hàng online, kênh truyền hình (GS.SHOP).
Thời trang là mảng kinh doanh được tiếp nối liên tục qua ba thế hệ của gia tộc quê gốc Bắc Ninh. Trước khi di cư vào Nam năm 1954, mẹ của bà sở hữu một cửa hiệu vải lụa tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sau hai năm dừng chân ở Huế, cha mẹ bà quyết định lập nghiệp tại Sài Gòn, thành lập Đại Thành, chuyên sản xuất quần áo may sẵn cung cấp cho các hiệu bán buôn từ Chợ Lớn ra đến miền Trung.
Bà Sơn được “kế thừa” bầu khí quyển tự do của kinh tế thị trường khá sớm. Ở bậc trung học, cô nữ sinh đã phụ mẹ quản lý công việc điều hành, làm sổ sách kế toán, ký séc (cheque) thanh toán mua hàng cho đến theo dõi công nợ. Nhờ vậy mà có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới doanh thương. Là người duy mỹ, lại sẵn xưởng may, cô tự thiết kế trang phục cho mình. Thấy đẹp, một bạn hàng của gia đình gợi ý cô gái trẻ thử thương mại hóa. Quyết định đến sau một đêm. Cô lựa vải, thiết kế, cắt, may, tự ướm đồ, điều chỉnh cho đến khi vừa mắt.
Hàng sản xuất thử đưa ra ngoài thị trường hết veo chỉ trong một ngày, cửa hàng đề nghị sản xuất thêm. Không lưu mẫu, cô tính sai công thức, nên hàng may xong hạ cổ quá sâu. Nào ngờ hạ cổ sâu còn hút hơn mẫu cũ. Nhận thấy con gái có năng khiếu thiết kế, gia đình quyết định đầu tư cho cô một nhánh riêng, chuyên về thời trang cho phụ nữ và thanh thiếu niên.
Năm 1987, ở độ tuổi trên 30, bà được Nhà nước giao trọng trách về quản lý Công ty Legamex. Trong thời điểm hoàng kim, công ty may mặc quốc doanh này có 4.000 nhân viên chính thức, 10.000 nhân viên của các công ty vệ tinh, xuất khẩu qua các nước như Liên Xô, Ba Lan, Nhật Pháp…; và là công ty may mặc lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.
Danh tiếng của vị nữ Giám đốc Nguyễn Thị Sơn nổi như cồn. Báo đài trong và ngoài nước ca ngợi bà và Legamex được nhắc đến là một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam thời kỳ đầu của chính sách mở cửa.
Thương hiệu Legamex đã trở thành thương hiệu mạnh đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Năm 1991, từ cấp quận, công ty trở thành đơn vị trực thuộc Sở Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Hai năm sau, Nhà nước có chính sách mới cổ phần hóa doanh nghiệp và Legamex được chọn làm thí điểm đầu tiên. Bà cũng lại là người hăng hái đi đầu với nhận định cổ phần hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời chấp hành và hưởng ứng chính sách đổi mới của Nhà nước.
Mọi việc đang tiến hành suôn sẻ thì đùng một cái, kết luận của Ủy ban Thanh tra TP Hồ Chí Minh “bay” đến và 3 ngày tiếp theo là quyết định đình chỉ toàn bộ công tác Ban Giám đốc Công ty Legamex. Vụ án được khởi tố, bà trở thành bị can với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
“10 tháng là thời gian mà tôi khóc hết nước mắt” – bà kể, bà nghĩ đến các con, lo lắng không biết ở nhà chúng ra sao, nỗi lo thường tình của một người mẹ, nhưng rồi bà cũng xua chúng đi bằng công việc. Cuối cùng bà cũng trở về nhà sau 10 tháng với một trạng thái nặng nề và câu hỏi “vì sao” luôn ám ảnh. 2 năm trời bà không được phân công công tác. Nhiều người khuyên bà nên ra làm tư nhân, bà dứt khoát mình đã là người của Nhà nước, Nhà nước tin tưởng mới tuyển dụng, bổ nhiệm làm công chức rồi làm quản lý, bà xem đó là một niềm vinh dự.
Bà muốn tiếp tục được làm việc để khẳng định và chứng minh rằng cán bộ Nhà nước vẫn còn những người thành công bằng sự trung thực và bằng chính khả năng của mình. Tháng 10/1998, bà được chuyển về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và giữ vai trò Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp.
Lúc này, tiền cổ phần của gia đình bà được hoàn trả, tuy có thiệt thòi về tỉ giá giữa lúc mua cổ phần và lúc hoàn trả nhưng bà động viên gia đình cứ nhận. Legamex dám lội đi trước thì phải chấp nhận sự may rủi…
Và bà bắt đầu một lúc kiêm ba vai trò Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, giảng viên đứng lớp và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Bà lại thành công sau 5 năm hoạt động. Năm 2004, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhiều học viên của trường đã trở thành doanh nhân thành đạt. Năm 2004, đề án thành lập trường Đại học Tư thục VCCI đã được chấp thuận về quy hoạch, dự kiến xây dựng tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.
Môi trường mới, công việc mới, kinh nghiệm từ hàng loạt chuyến công du đến các nước đã giúp bà niềm vui và cũng giúp bà thực hiện hàng loạt những trăn trở của mình, trong đó có đề án thành lập Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế. Tháng 10/2005, trong hội thảo tại Nha Trang về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, khi phát biểu bà đã đề cập đến đề án này và được Hội Luật gia Việt Nam nhiệt tình ủng hộ. Hai tháng sau, bà nhận được quyết định thành lập Viện kèm theo quyết định bổ nhiệm làm Viện trưởng…
Chồng mất khi các con còn quá nhỏ, một mình chèo lái gia đình, nuôi dạy các con cực thành đạt
Chồng bị bệnh và mất tháng 4 năm 1987, lúc ấy bà Sơn cùng chồng đã có 5 người con, lớn nhất là Hồng Vân 18 tuổi, tiếp đến là Hoàng Tuấn 17 tuổi, Hoàng Anh 14 tuổi, Hồng Trang 12 tuổi, Hoàng Lâm 9 tuổi.
Trải lòng về gia đình nhỏ sau khi người đàn ông trụ cột ra đi, bà nghẹn ngào: “Các con tôi lúc đó còn nhỏ, con gái lớn 17 tuổi, con trai út mới 9 tuổi. Buổi sáng đưa các con đến trường, buổi chiều đón về công ty chơi ở sân công ty, các con tôi có điều kiện vào nhà máy phụ với các cô chú công nhân cắt chỉ, xếp hàng.
Mùa hè tôi đi công tác cũng cho các con theo, lúc thì Hà Nội, lúc ở Moscow… Tôi không ngờ các con tôi lại học hỏi được những kỹ năng sản xuất hàng thời trang cho sự nghiệp sau này (khởi nghiệp của các con tôi đều bắt đầu từ ngành may mặc thời trang)”.
“Các con tôi học trung học phổ thông ở các trường công lập tại TP HCM. Khi vào đại học tôi cố gắng lo cho các con tôi học ở nước ngoài và được tự do chọn ngành yêu thích. Riêng Hồng Trang lúc bắt đầu vào đại học thì mẹ bị sự cố nên khi thi đậu vào 2 trường đại học là Luật và Sư phạm, tôi khuyên Hồng Trang vào Đại học Sư phạm TPHCM. Như thế ra trường thì tùy theo khả năng được đào tạo mà chọn nghề khởi nghiệp, mỗi người mỗi công ty khác nhau là chuyện bình thường”.
Cũng như những gia đình khác, con cái của bà không phải khi nào cũng đồng thuận, thế nên mới có chuyện bây giờ mỗi người đi phát triển sự nghiệp một mảng khác nhau và hiện chỉ có đúng 2/5 người là đang phục vụ cho Sơn Kim.
Chia sẻ trên báo chí, bà Sơn tiết lộ: “Đầu tiên là Hồng Vân quản lý SEAEDI, nhưng sau đó chồng Hồng Vân là anh Hồ Nhân khởi nghiệp với công ty Nanogen – Bio, thì Hồng Vân về phụ và giao nó lại cho tôi. Hồng Trang không phải dân kinh doanh, Trang là Thạc sỹ Sử học của trường Đại học Sư Phạm TP. HCM, ra trường thì đi dạy ở trường Đại học Sài Gòn.
Tới năm 2000, một đối tác Nhật về đầu tư vào Công ty xuất nhập khẩu may mặc Hồng Vân, sau đó liên doanh với gia đình chúng tôi để thành lập liên doanh Quadrille – Vera và chỉ định Hồng Trang làm CEO. Lúc đó, con bé phải kiêm nhiệm cùng lúc 2 vị trí nhưng đã làm rất tốt. Sau này, khi Sơn Kim hợp tác với GS25 đến từ Hàn Quốc, Trang phải quản lý thêm thương hiệu này tại Việt nam”.
Theo bà, 5 người con của bà ai cũng cứng đầu và tự cho là mình giỏi nhất! Trong tất cả, người con trai thứ ba – Hoàng Anh khiến bà đau đầu nhất. Con đường học vấn của anh vô cùng rực rỡ: Học thạc sỹ ở Úc, có bằng tiến sỹ quản lý công nghệ tại Mỹ.
Ra trường về Việt Nam, đầu tiên anh làm việc ở Hội Luật gia, sau nữa là Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng KENT Coledge liên doanh với Australia.
Nhưng đột nhiên người con trai này của bà nghỉ ngang, không đi theo con đường học thuật nữa mà đòi ra mở quán cà phê và sau đó là công ty sản xuất trà – cà phê sạch.
“Bây giờ thì Hoàng Anh đã ổn, Golden Mountain sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Golden Mountain không chỉ cung cấp trà – cà phê cho chuỗi GS25 tại Việt Nam mà còn thông qua đối tác này, xuất khẩu được cà phê qua thị trường Hàn Quốc”, bà Sơn cho biết.
Hiện tại, con gái đầu Hồng Vân và chồng là Hồ Nhân đang nắm công ty dược phẩm Nanogen – Bio, con trai thứ hai là Hoàng Tuấn đang ở vị trí Chủ tịch Sơn Kim Group và Sơn Kim Land, con trai thứ ba Hoàng Anh là ông chủ công ty sản xuất trà – cà phê Golden Mountain, con gái thứ tư Hồng Trang hiện là CEO Sơn Kim Mode – GS25 Việt Nam, con trai cuối cùng Hoàng Lâm đã ra riêng thành lập công ty thiết kế nội thất Duy Quân.
Bên cạnh đó, Hoàng Việt – cháu nội của bà Sơn cũng đang tham gia vào công việc quản lý của công ty đầu tư giáo dục SEAEDI của gia đình ở thị trường Bắc Mỹ.
70 tuổi lấy niềm vui từ chơi Facebook, không áp đặt con, nhưng 5 Chủ tịch/Giám đốc kiêm con cái luôn nghe theo răm rắp
Ở tuổi 60, bà Sơn thành lập CTCP Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á và Trường THCS, THPT Duy Tân với mong muốn xây dựng hê thống giáo dục đào tạo nhân lực trong xu thế hội nhập toàn cầu. Việc nuôi dạy, cấp học bổng cho 64 cháu người dân tộc được học ở trường Duy Tân (từ lớp 6 đến lớp 12) cũng với mong muốn đào tạo nhân lực giỏi cho các địa phương, các vùng dân tộc thiểu số và hải đảo.
Ở tuổi 70, bà Sơn đang chuyển giao dần công việc quản lý giáo dục cho cháu nội Nguyễn Hoàng Việt.
Bà kể thêm, hiện tại bà có việc ở Viện Khoa học Pháp lý và SEAEDI cùng đam mê với Facebook – mục tiêu là mỗi ngày nhất định phải có 1 status trên nền tảng mạng xã hội này, nên bà không còn thời gian để can thiệp vào chuyện kinh doanh của con cái.
Khi có chuyện khẩn cấp, bà mới gọi điện cho con, nếu không khẩn cấp cứ tới thông lệ sáng thứ hai thì bàn bạc.
“Tôi cảm thấy việc tham gia Facebook có nhiều cái rất hay, chẳng hạn, tôi đã tìm được những người bạn cũ từ nhiều năm không gặp và trò chuyện rất vui trên đó.
Tôi có thể chia sẽ với mọi người về một câu chuyện của xã hội trên tinh thần suy nghĩ tích cực. Đó cũng là một hình thức đóng góp làm cho quê hương của chúng ta ngày thêm giàu đẹp.
Với cái điện thoại trên tay, đi đến đâu có cảnh đẹp cũng có thể chụp hình. Nhìn thấy những đứa cháu nội ngoại đáng yêu cũng có thể “tách” một cái post lên Facebook. Đấy là niềm vui của tuổi già” – bà Sơn chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
“Điều quý giá nhất tôi đã học được từ mẹ, một doanh nhân đi đầu trong ngành dệt may Việt Nam là tư duy rất sâu và quyết đoán. Nếu đã nghĩ đúng, tính toán hết các yếu tố rủi ro, phải quyết đoán, để làm tới nơi tới chốn, không dở dở ương ương. Thứ hai là giữ uy tín với tất cả các đối tác, bạn bè, người thân” – ông Tuấn khi nói về mẹ mình.
Còn bà Hồng Vân kể: “Có thể nói, cả cuộc đời tôi luôn nghe theo mẹ. Bây giờ, thỉnh thoảng những kiến thức – nhận định của mẹ có lạc hậu một chút, nhưng một khi mẹ đã nói hoặc quyết định cái gì, thì chúng tôi đều làm theo. Nhiều khi có thể không đồng thuận hoàn toàn với những quyết định của mẹ, nhưng chúng tôi luôn nghe theo, sau đó tự điều chỉnh bản thân hoặc sự việc để phù hợp”.
Mặc dù bà Sơn đã lớn tuổi, nhưng với kinh nghiệm dày dạng trên thương trường cộng với sự nhạy bén cùng thời cuộc, theo chị Hồng Trang, thì thường những lời khuyên của mẹ mình khá xác đáng và đúng thời điểm. Và đây có thể là nguyên do chính khiến bà Nguyễn Thị Sơn có tầm ảnh hưởng lớn đến con cái như vậy.
Điểm lại những bước thăng trầm đầy sóng gió của cuộc đời doanh nhân, chia sẻ về những phẩm chất đã giúp bà vượt qua bao thử thách để ngày càng khoan dung, mạnh mẽ, bà Sơn cho biết: “Tôi không kiên nhẫn ngồi thiền, nhưng khi nào mệt tôi ngồi hít thở khoảng vài phút. Tôi không bắt buộc mình ăn chay, nhưng tôi thích ăn rau quả nhiều hơn thịt bò, trứng, cá. Tôi không tập thể thao chuyên cần, nhưng buổi sáng trước khi bước xuống giường tôi tập các động tác duỗi chân, vặn tay, đập tay, xoa mặt, vuốt mũi, vuốt mắt. Nói chung trong cuộc sống tôi thích sự tự nhiên, không gò bó, nhưng phù hợp với văn hóa, đạo đức của xã hội. Nói theo ngôn ngữ chính trị là “sự tự do trong khuôn khổ pháp luật.
Công việc cũng vậy, tôi hoàn toàn tự do thích thì làm, không thích thì không làm. Nhưng nhận lời làm việc gì, tôi cố gắng làm tốt, hoàn thiện công việc. Không dễ yêu một người nào đó, nhưng không bao giờ giận ai lâu hay ghét ai cả. Đó là “cách sống vàng” của tôi”.
Tùng Lâm