Thịt heo nhập khẩu tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2019

6 tháng đầu năm 2019, TP. Hồ Chí Minh nhập 5.647 tấn thịt heo đông lạnh, tăng đến gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí của Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương – Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết dịch tả heo châu Phi (AFS) lan rộng trên 62/63 tỉnh, thành phố; chỉ còn 1 tỉnh Ninh Thuận chưa có dịch. Để ứng phó với tình hình dịch tả heo châu Phi kéo dài khiến giá thịt heo tiếp tục tăng, TP.Hồ Chí Minh đã tính đến phương án tăng nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ các nước để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh nhập 5.647 tấn thịt heo đông lạnh, tương đương kim ngạch 10,29 triệu USD (tăng về lượng gần 4.800 tấn và tăng 8,1 triệu USD về kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2018). Như vậy, lượng thịt heo nhập khẩu đã tăng đến gần 6 lần.

Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Brazil 2.368 tấn với kim ngạch 4,39 triệu USD; Mỹ 874 tấn, 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn, 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn…

Ảnh minh họa.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, lượng nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt heo nhập khẩu rẻ hơn giá heo hơi trong nước, đồng thời kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại bị gỡ bỏ, thị trường thịt heo trong nước có sự liên thông nhất định với nước ngoài.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt heo từ Nam Mỹ nên lượng heo nhập từ Brazil tăng.

Hiện hầu hết doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm (giò, chả, xúc xích…), chỉ một lượng nhỏ nhập khẩu dạng đặc sản hoặc cao cấp được bán trực tiếp ra thị trường do người tiêu dùng vẫn ưa dùng thịt tươi, chưa có thói quen dùng thịt đông lạnh.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi gần 24 triệu USD để nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức nhập khẩu thịt heo tăng kỷ lục sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát và lan rộng.

Khảo sát thị trường cho thấy bên cạnh thịt bò, gà nhập khẩu vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam thì gần đây thịt heo đang được bán nhiều hơn về số lượng, đa dạng về xuất xứ, chủng loại. Nếu như thịt bò chủ yếu nhập từ Mỹ, Úc thì thịt heo nhập khẩu đến từ nhiều nơi như Mỹ, Hungary, Tây Ban Nha, Ba Lan… Giá thịt heo nhập bán lẻ trên thị trường dao động từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng/kg tùy loại. Không chỉ bán tại các cửa hàng, các sản phẩm này còn được bán tràn lan trên online.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhìn nhận tâm lý e ngại dịch tả heo châu Phi của người dân khiến sức mua sản phẩm này giảm, doanh nghiệp ngập ngừng chưa muốn bán ra thị trường. Trước tình hình này, nhiều công ty tranh thủ nhập thịt heo về bán.

“Đây là xu thế thị trường, đồng thời các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết cũng tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài. Hiện các công ty nhập khẩu thịt heo chủ yếu từ Mỹ, châu Âu…” – ông Thắng nói.

Trước đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư chăn nuôi vào nhóm gia cầm như: gà, vịt, trứng bởi đây là loài Việt Nam có thế mạnh, có thể tăng sản lượng nhanh trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trước diễn biến phức tạp và khó kiểm soát của dịch tả heo châu Phi.
Theo Minh Anh (TH)/ Tieudung.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục