Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh: Con đường từ đại gia bất động sản đến vòng lao lý
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng đã thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thành danh trong mảng bất động sản. Nhưng mới đây, ông bị khởi tố và bắt tạm giam vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Từ kinh doanh taxi tới thành danh trong lĩnh vực bất động sản
Ông Đỗ Anh Dũng sinh năm 1961, tốt nghiệp kỹ sư trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ năm 1993 cho đến nay. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt từ năm 2015 đến nay.
Trước khi thành lập Tân Hoàng Minh, ông từng có thời gian công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước Hà Nội trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 1986. Từ năm 1986 đến 1989, ông công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại TP. HCM. Từ năm 1989 đến năm 1993, ông Dũng là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI (thuộc Viện Khoa học Việt Nam phân viện TP. HCM).
Trong suốt hành trình sự nghiệp của mình, ông Dũng nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ bởi những đóng góp trong lĩnh vực kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới. Cụ thể gồm: Giải thưởng Sao Đỏ (2003); Bằng khen Cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế của Thủ tướng chính phủ (2004); giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (2004); giải thưởng Cúp vàng thương hiệu (2004)…
Năm 1993, ông Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tại TP. HCM. Thời gian mới thành lập, Tập đoàn Tân Hoàng Minh hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng, dịch vụ vận tải công cộng bằng taxi.
Năm 1995, ông Dũng bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi, với thương hiệu “Taxi V20”. Tháng 9/2001, số lượng xe hoạt động đạt gần 1.000 chiếc, chiếm 25% thị phần tại 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hà Nội.
Năm 1998, ông Dũng từng bước đầu tư sản xuất các sản phẩm mây, tre đan với thương hiệu “Ratex” và xuất khẩu sang thị trường quốc tế, như Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Mỹ… Đây là một trong những nguồn thu chủ chốt, mang lại lợi nhuận 3-5 triệu USD/năm cho Tân Hoàng Minh thời kỳ mới phát triển.
Từ năm 2006, ông Dũng định hướng cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh trở thành một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là thị trường bất động sản cao cấp. Tập đoàn Tân Hoàng Minh của đại gia Đỗ Anh Dũng nắm giữ hàng loạt dự án khủng, tại các vị trí “đất vàng” ở Hà Nội như: D’. Palais de Louis, D’. Le Roi Soleil Quảng An, D’. El Dorado I và D’. El Dorado II, D’ Le Pont Hoàng Cầu…
Thời điểm hiện tại, Tân Hoàng Minh đang là một trong những “ông lớn” bất động sản tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn gồm có nhiều công ty con như: Công ty CP Thời Đại Mới T&T (đầu tư dự án tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang đẳng cấp Hàng Bài D’San Raffles); Công ty Cổ Phần Cung Điện Mùa Đông (đầu tư dự án Văn phòng, khách sạn 6 sao D’.EL DORADO); Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil (đầu tư tổ hợp căn hộ và dịch vụ thương mại D’Leroi Soliel); Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thể đối diện án phạt tù chung thân
Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 6 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.
Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu nêu trên là 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, Luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia luật và liên danh) nhìn nhận đây là vụ việc nghiêm trọng với số tiền thu lợi bất chính lớn. Với việc chiếm đoạt tới trên 10.300 tỷ đồng, các bị can khó tránh khỏi tình tiết định khung cao nhất cho tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trích dẫn khoản 4, Điều 174 Bộ luật này, luật sư Tuấn cho biết người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác mà tổng giá trị tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ đối mặt với mức án 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.
“Do đây là vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò cụ thể, mức độ đóng góp của từng bị can trong việc cùng ông Dũng chiếm đoạt số tiền hơn 10.300 tỷ đồng. Nếu có căn cứ xác định 6 bị can còn lại đã giúp sức tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để bị can Dũng lừa chiếm số tiền lớn, họ sẽ bị xử lý về tội danh và tình tiết định khung tương tự với Chủ tịch Tân Hoàng Minh”, luật sư phân tích.
Về trách nhiệm dân sự, luật sư Tuấn cho biết phía Tân Hoàng Minh phải hoàn trả số tiền 10.300 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân đã mua trái phiếu của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị này không còn khả năng trả bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp sẽ được sử dụng để thanh toán nợ.
Đối với các đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu cho Tân Hoàng Minh, luật sư nhận định cơ quan chức năng sẽ cần làm rõ thêm vai trò, nội dung tư vấn của các đơn vị này cho công ty. Trường hợp có dấu hiệu tiếp tay, giúp sức cho hành vi phạm tội, họ có thể bị khởi tố theo quy định của pháp luật.
T.H(th)