Không phải Masan, một công ty kín tiếng đang thu lãi hàng trăm tỷ đồng từ tương ớt và xì dầu Cholimex
CTCP Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn được VCSC đánh giá là một công ty vốn hoá nhỏ với nhiều tài sản đang chờ mở khoá giá trị.
Ấm no nhờ tương ớt
Nếu nói đến thị trường chứng khoán, những chữ cái phổ biến có lẽ nhà đầu tư nào cũng biết như VCB, VNM, VIC, MWG,… nhưng ít ai biết đến CMF. Một điều thú vị là cổ phiếu này mới đây trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sau 4 phiên tăng trần liên tiếp từ 29/3 đến 1/4, thị giá của CMF đạt mức đỉnh giá mới 290.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 5/4/2022. Với biên độ cho phép trên UPCoM lên tới 15%, thị giá CMF đã nhanh chóng tăng gấp đôi trong chưa tới một tuần giao dịch, thanh khoản từ hầu như không có giao dịch, trong những phiên tăng trần đã có 100 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
CMF là cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Cholimex. Cholimex vốn nổi tiếng với các sản phẩm như nước tương, tương ớt, nước mắm… thương hiệu Cholimex. Cholimex Food tham gia vào thị trường tương ớt từ những năm cuối thập niên 1980, hiện là một trong những công ty dẫn đầu ngành cùng với Masan, Trung Thành, Nosafood… Công ty cũng đã thiết lập được hệ thống phân phối trên 63 tỉnh thành cả nước, phân phối thông qua nhiều kênh phổ biến như Metro, Co.op Mart, BigC.
Số liệu tài chính cho biết doanh thu năm 2021 của Cholimex Food đạt 2.508,6 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thực phẩm này đạt mức 232 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước đó.
Theo quan điểm của công ty chứng khoán Bản Việt, CMF có thể duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số trong tương lai nhờ thương hiệu mạnh, tăng trưởng ngành vững chắc và mở rộng danh mục sản phẩm.
Hoạt động kinh doanh tốt của CMF đem lại nguồn lợi lớn cho một công ty có vốn hoá nhỏ là CTCP Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (mã chứng khoán: CLX). Công ty này hiện đang là cổ đông lớn nhất tại CMF khi nắm giữ khoảng 3,3 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40,7% vốn điều lệ. Theo VCSC, Cholimex Food đóng góp 48% vào LNST sau lợi ích CĐTS của CLX năm 2020.
Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy Cholimex Food cũng đem về khoản lợi nhuận 51 tỷ đồng, chiếm 69% trong 5 khoản đầu tư vào công ty liên kết của CLX.
Mở vàng đang chờ mở khoá
Mặc dù không đưa ra khuyến nghị mua bán với CLX nhưng VCSC cho rằng đây là một công ty vốn hoá nhỏ với nhiều tài sản đang chờ mở khoá giá trị.
Đầu tiên là tiềm năng của Cholimex Food, VCSC đánh giá triển vọng tươi sáng công ty thực phẩm này được hỗ trợ bởi vị thế thị trường vững chắc và đà tăng trưởng mạnh của ngành. VCSC ước tính Cholimex Food nắm giữ giữ 30%-35% thị phần trên thị trường tương ớt. Đây vốn là thế mạnh chính của công ty cùng với sự hiện diện rộng rãi trong cả kênh off-trade (cụ thể, tiêu dùng tại nhà) và kênh on-trade (cụ thể, nhà hàng).
Báo cáo của Euromonitor dự báo sản lượng bán tương ớt của Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 7% trong giai đoạn 2020-2025 sau khi ghi nhận CAGR là 9% trong giai đoạn 2015- 2020. Theo quan điểm của VCSC, bối cảnh này cùng với sự mở rộng của Cholimex Food trong các danh mục nước chấm và thực phẩm chế biến khác có thể thúc đẩy LNST sau lợi ích CĐTS của CLX đạt mức tăng trưởng 2 chữ số hàng năm sau năm 2021.
Thứ hai, CLX hiện sở hữu quỹ đất lớn. Cụ thể Quỹ đất khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị (KĐT) lớn, tiềm năng tại TP.HCM của CLX đang chờ mở khoá giá trị. Khu công nghiệp hàng đầu của CLX là Vĩnh Lộc 1 (207 ha) tại Quận Bình Tân (cách Trung tâm TP. HCM 15 km) đã được lấp đầy hoàn toàn từ đầu những năm 2000. CLX đang đặt mục tiêu phát triển các dự án KCN Vĩnh Lộc 1 Mở rộng và KCN Vĩnh Lộc 3 – tổng diện tích 273 ha – cũng như KĐT Vĩnh Lộc 1 (UA) có quy mô 44 ha, tất cả đều gần KCN Vĩnh Lộc 1 hiện hữu của công ty.
Tuy nhiên, lộ trình phát triển của các dự án này bị ảnh hưởng do Chính phủ đang trì hoãn việc thẩm định giá trị của khu đất liên quan (có thể dẫn đến một khoản phải trả từ CLX cho Chính phủ). Theo CLX, một khi vấn đề này được giải quyết, công ty sẽ linh hoạt hơn trong việc đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng và phát triển dự án. Việc Chính phủ hoàn tất quá trình quyết toán cổ phần hóa của CLX (CLX được cổ phần hóa vào năm 2015) – có khả năng diễn ra vào năm 2021-2022. Theo ban lãnh đạo đây có thể là một chất xúc tác quan trọng khi sẽ gỡ bỏ các rào cản đối với việc thương mại hoá quỹ đất của CLX. Tuy nhiên diễn biến đánh giá lại của Chính phủ về giá trị đất còn lại tại CLX sau khi cổ phần hóa cũng là yếu tố cản trở CLX phát triển các dự án BĐS ở thời điểm hiện tại.
Thứ 3, CLX cũng có công ty con là trung tâm Logistic Vĩnh Lộc là yếu tố hỗ trợ tiềm năng trong ngắn hạn. Đây là hoạt động kinh doanh hợp tác giữa CLX và cổ đông lớn TMS – nhà cung cấp dịch vụ logistic hàng đầu. Trung tâm này nằm trong KCN Vĩnh Lộc 1 và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2021-2022 và có quy mô 70.000 m2, bao gồm cả kho lạnh. VCSC tin rằng trung tâm này sẽ nhận được nhu cầu mạnh mẽ, đặc biệt là từ lĩnh vực thương mại hiện đại và thực phẩm đông lạnh.
Mộc An