Khi Lịch sử trở thành môn học tự chọn: Sẽ ra sao nếu thế hệ mai sau không còn biết đến 4000 năm hào hùng dân tộc?

Ngay sau khi thông tin môn Lịch sử nằm trong nhóm môn Khoa học xã hội và trở thành môn học được lựa chọn đã gây ra luồng tranh cãi mạnh mẽ.

Từ năm học 2022- 2023, Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trong đó, chương trình lớp 10 được đặc biệt quan tâm. Thay vì học 17 môn, học sinh sẽ học 12 môn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.

Đáng chú ý, bộ môn Lịch sử sẽ thuộc nhóm môn lựa chọn. Nhiều ý kiến lo ngại học sinh sẽ quay lưng với môn học này bởi tình trạng học trò không ham thích học Lịch sử, điểm thi thấp đã được bàn nhiều năm nay.

Thầy giáo Lê Đình Hiển – giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục Tuyensinh247.com: “Bỏ môn Lịch sử sẽ đào tạo nên thế hệ công dân không nhớ tới cội nguồn của mình”

Hàng ngàn năm nay, các quốc gia dân tộc đều phát triển hay suy vong dựa trên nền tảng mà lịch sử để lại. Hồ Chủ tịch từng dạy rằng “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nhưng trong thời đại ngày nay, không chỉ để tường gốc tích, mà còn là để soi rõ lối đi đến con đường văn minh, hội nhập, là để chúng ta tự tin mà không tự ti, nắm bắt thời cơ nhưng thấy rõ nguy cơ, chủ động hội nhập mà không chủ quan khinh suất.

Một đất nước luôn tự hào mấy ngàn năm văn hiến, một dân tộc luôn tự hào với truyền thống hào hùng trong lịch sử, một nền giáo dục vốn dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa, dân tộc với đạo lý truyền thống tốt đẹp thì phải tôn trọng Lịch sử. “Kẻ nào không nhớ quá khứ chắc chắn sẽ tái phạm lỗi lầm”. Dù dưới bất kỳ hình thức gì đi nữa thì bỏ đi môn Lịch sử sẽ là một sai lầm to lớn bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ công dân không nhớ tới quá khứ và cội nguồn của mình.

Đáng nói, chính việc đưa môn lịch sử tích hợp với môn Địa lý, Giáo dục công dân ở cấp TH- THCS và đưa thành môn tự chọn ở cấp THPT chính là việc tạo ra “điều kiện” và “tư tưởng” để học sinh và phụ huynh loại môn học này ra khỏi chương trình của bản thân. Bởi môn học này đã chứng kiến sự thảm bại về mặt điểm số qua các kỳ thi gần đây. Ai sẽ chọn môn học khó này khi không cần học vẫn có thể đạt điểm cao và đậu đại học bằng các môn khác “dễ ăn” hơn. Động lực nào để một học sinh chọn môn Lịch sử, khi học là để thi.

Nhiều người nói rằng môn lịch sử thật khô khan, bắt học sinh thuộc lòng nhiều trang giấy, ghi nhớ hàng đống sự kiện và số liệu. Xin hỏi, có môn học nào không cần ghi nhớ. Lịch sử không chỉ có số liệu khô khan đó (dù số liệu đó phải đổi bằng rất nhiều máu của cha ông ta) và trong đề thi cũng không bao giờ hỏi những cái đó, đừng biện minh hay đổ lỗi khi chính bản thân chúng ta không coi trọng việc học nó một cách nghiêm túc.

Đặc biệt, đại đa số giới trẻ hiện tại, nhất là lứa tuổi đang học phổ thông gần như không hiểu biết gì về lịch sử dân tộc, đây không phải đánh giá chủ quan mà là sự thật phũ phàng. Đơn giản như Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em. Điều gì sẽ xảy ra, nếu như giới trẻ hiện tại và tương lai không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết thì cũng dừng lại những hiểu biết ngây ngô, lơ mơ, đại khái, thậm chí với những nhận thức méo mó, lệch lạc?

Cái rất cần là thay đổi trong cách dạy học, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu, đổi mới phương pháp…làm mềm kỹ năng chứ không phải như Bộ GD&ĐT đang tạo ra cơ chế “bạn nào thích và có khả năng thì học”.

Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước Lịch sử và dân tộc nếu để những điều trên trở thành hiện thực. Hãy nhớ rằng, nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ nã vào đầu anh bằng đại bác.

Nguyễn Quỳnh Anh- Lớp trưởng lớp 10A12 trường Hữu nghị Việt-Lào (T78): “Em tự hào khi kể về dân tộc mình cho các bạn nước Lào nghe”

Ngôi trường em đang học khá đặc thù, không chỉ có học sinh Việt Nam (bao gồm cả dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số) mà còn có cả các bạn học sinh, thầy cô đến từ Lào.

Chỉ mới đây thôi, em được đại diện lớp tham dự liên hoan Chúc mừng năm mới các bạn Lào. Tại đây, em được hiểu hơn về văn hoá nước bạn và cũng là dịp em chia sẻ cho các bạn nghe nhiều hơn về nước mình.

Là một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường và cũng là một người yêu thích môn Lịch sử, em cảm thấy khá buồn và hụt hẫng khi từ năm sau bộ môn này trở thành môn tự chọn. Quả đúng là ngay trong lớp em, không phải ai cũng thích môn Lịch sử nhưng ngược lại, bất cứ khi nào được cô giáo kể về những câu chuyện cha ông ta đánh giặc ra sao? Quân địch đoạ đày người dân thế nào?…Tất cả lớp đều thích thú lắng nghe.

Do đó, chúng em mong rằng sẽ được học Lịch sử theo một cách đổi mới không phải là tự chọn hay bắt buộc mà được khám phá nhiều hơn, được tìm hiểu sâu, linh hoạt, sinh động, không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa. Em tin rằng, các bạn học sinh đồng trang lứa với em sẽ không còn cảm thấy Sử khô khan nữa.

Và em sẽ có thêm nhiều câu chuyện hay để “khoe” với các bạn Lào về một đất nước 4 nghìn năm lịch sử.

Ông Lê Khánh Hà, Trưởng Phòng Phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải:

Giảm tải cho học sinh là điều nên làm, nhưng cân nhắc giảm tải liều lượng của các môn học để các em đến trường theo khẩu hiệu của ngành Giáo dục “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Nếu để các em tự chọn không học một giáo dục tôi nghĩ là rất nhiều học sinh sẽ chọn là không học bởi vì sao: Đây là một môn học thuộc lòng, có nhiều sự kiện trải dài từ thời Vua Hùng đến lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta và gần đây nhất là 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, Đế quốc Mỹ và chiến tranh Biên giới Tây Nam. Để nhớ lịch sử đòi hỏi các em phải có sự say mê tìm hiểu, nhưng vốn dĩ trong giáo dục coi đây là môn phụ do đó ham tìm hiểu của các em cũng bị mất nhiệt, bên cạnh đó sự ” truyền lửa” đam mê vào các em là không nhiều dẫn đến các tiết học lịch sử không còn hào hứng, từ các em.

Sinh thời Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Câu nói này quá nổi tiếng, vì đặt vào hoàn cảnh nước nào cũng vậy thôi “phải biết gốc tích” của mình xuất phát từ đâu, là ai, như thế nào… Các bạn không thể ra nước ngoài nói chuyện với người nước ngoài mà không có một chút kiến thức nào về lịch sử, văn hóa, con người nơi bạn sinh ra và lớn lên. Bạn không thể xây một ngôi nhà, một tương lai tốt đẹp nếu nền móng yếu (ở đây là nền tảng văn hóa của dân tộc, đất nước) và hổng về kiến thức cơ bản.

Theo tôi, Lịch sử phải là môn học bắt buộc do đó tôi tha thiết kiến nghị với những người có thẩm quyền trong ngành giáo dục như vậy. Và tôi cũng nhớ một câu nói nổi tiếng “Nếu anh bắn vào lịch sử một viên đạn súng lục, thì tương lai sẽ trả lại anh bằng viên đại bác”. Đây chính là hậu quả của việc quay lưng lại với quá khứ, và tôi cũng không mong muốn con tôi cũng như các thế hệ tương lai của đất nước phải chịu hậu quả từ những sai lầm của cha ông nó.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn Trí thức trẻ
Bài cùng chuyên mục