Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang học vật lý hạt nhân nhưng… đi buôn mỳ gói: “Nhiều người nhầm tưởng tôi có học vị Tiến sĩ chuyên ngành Marketing”
Trong bức thư ngỏ kéo dài đến 8 trang, Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang viết: “Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng tôi có học vị Tiến sĩ chuyên ngành Marketing bởi bằng Tiến sĩ Vật lý Hạt nhân của tôi chẳng liên quan gì đến ngành tiêu dùng”.
Khác với những văn bản tài chính nơi diễn đạt có phần máy móc và xơ cứng, Báo cáo thường niên năm 2021 của CTCP Tập đoàn Masan (MCK: MSN) đã đặc biệt dành tới 8 trang cho thư ngỏ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang.
Xuyên suốt, vị Chủ tịch Masan bày tỏ tâm nguyện và tham vọng ”thực hiện cú nhảy vọt, chuyển đổi từ một doanh nghiệp truyền thống thành một nền tảng tiêu dùng ứng dụng công nghệ” của tập đoàn này.
Kim chỉ nam của Masan là “đặt người tiêu dùng làm trọng tâm”
Từ nỗ lực cách mạng hóa thị trường nước mắm đến tái định hình hạ tầng tiêu dùng, Masan đều hướng đến mục tiêu giúp người Việt Nam chi trả ít hơn cho các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, đồng thời gia tăng chất lượng cuộc sống.
“Nhiều người vẫn xem Masan là một tập đoàn đa ngành và hoài nghi rằng liệu chúng ta có đang áp dụng cùng một cách tư duy khi triển khai chiến lược Point of Life và xây dựng mini mall hay không. Câu trả lời là không. Mô hình mini mall được phát triển để đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng ngay trên cùng một điểm chạm“, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết.
Để làm được điều đó, Masan thông qua các bước đi chiến lược như nhân rộng mô hình “mini mall” tại mỗi WinMart/WinMart và kết nối thói quen mua sắm offline của người tiêu dùng thành một trải nghiệm đa kênh thuận tiện, liền mạch từ offline đến online (O2).
Theo ông Quang, mini mall là chìa khóa để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và mở rộng quy mô nền tảng O2. Mô hình mini mall có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng từ 25% lên 60 – 80%.
Theo đó, tập đoàn này sẽ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày bằng những thương hiệu mạnh như WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê) và Phano (chăm sóc sức khỏe).
Sẽ bổ sung lĩnh vực nội dung và giải trí vào hệ sinh thái
Với ông, dù cho công nghệ phát triển đến mức nào thì con người vẫn là mấu chốt: ”Chúng ta cần hợp lực để thực hiện số hóa, đồng thời vẫn tuân theo tôn chỉ hàng ngày nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam”.
Ông xác định hành trình của Masan hành trình làm chủ công nghệ, kết nối vạn nhu cầu để phụng sự người tiêu dùng. Từ đó, Chủ tịch Masan hướng đến mục tiêu bổ sung lĩnh vực nội dung và giải trí vào hệ sinh thái MSN.
Vị tỷ phú khẳng định, đón nhận thay đổi và dẫn đầu xu hướng là là tâm thế và tư duy Masan cần có xuyên suốt hành trình này để vươn tới những đỉnh cao mới, những khát vọng mới.
Học vật lý hạt nhân nhưng… đi buôn mỳ gói
Một điểm nhấn trong tâm thư của Chủ tịch Masan là bên cạnh những chia sẻ thêm về phương cách hoạt động, mô hình kinh doanh của tập đoàn, ông còn nhớ lại những bước đi ban đầu, về xuất thân từ một Tiến sĩ Vật lý Hạt nhân đến tỷ phú mỳ gói.
“Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng tôi có học vị Tiến sĩ chuyên ngành Marketing bởi bằng Tiến sĩ Vật lý Hạt nhân của tôi chẳng liên quan gì đến ngành tiêu dùng. Tuy nhiên, tôi tin rằng sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ và marketing sẽ tạo ra “phản ứng hạt nhân” bùng nổ giúp chúng ta phụng sự người tiêu dùng tốt hơn” –ông nói.
Đây không hẳn là lần đầu tiên ông Quang nhắc đến hành trình rẽ ngang của mình mà trước đó, ngày 24/4/2019, buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của CTCP Tập đoàn Masan cũng từng ”phá vỡ” mọi công thức vận hành của đa phần các doanh nghiệp niêm yết khác.
Không giống các lãnh đạo lên phát biểu, đọc báo cáo được in sẵn vốn quen thuộc nhưng không mấy thú vị. Ông khảng khái bước lên sân khấu và chia sẻ một cách đầy nhiệt huyết về cách xây dựng nên “đế chế” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bởi lẽ có người vẫn không thể hiểu được vì sao ông học vật lý hạt nhân nhưng lại đi buôn mỳ gói.
“Thực sự chúng tôi không lựa chọn mỳ gói, mà ngược lại, bối cảnh khó khăn lúc đó “buộc” chúng tôi phải chọn mỳ gói” – ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ. Cũng theo ông, với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn thời kỳ đó, cách để làm cuộc sống tốt hơn và cụ thể là “để làm cái bụng ấm hơn” thì phải dựa vào mỳ gói.
Người đứng đầu tập đoàn cũng tự tin với mô hình kinh doanh đang theo đuổi, Masan sẽ trở thành một tổ chức kinh doanh có doanh thu, lợi nhuận cao và bền vững.
“Chúng ta sẽ kinh doanh thành công, bởi làm những điều tốt, có ý nghĩa cho xã hội. Mỗi ngày chúng ta sẽ tạo ra những giá trị nho nhỏ cho mỗi người dân Việt Nam và sẽ được tưởng thưởng bởi doanh thu, lợi nhuận cao” – ông khẳng định với các cổ đông.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Đăng Quang là vị tỷ phú giàu thứ 6 Việt Nam, xếp thứ 1.594 thế giới với tổng tài sản 2 tỷ USD (theo Forbes).
Trong năm 2022, MSN đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 90.000 – 100.000 tỷ đồng, tăng từ 1,5% – 2,8% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.900 – 8.500 tỷ đồng.
Nhuận Hoa