Dự án KDC xã Bình Sơn – Lộc An và dấu hỏi về năng lực thực sự của chủ đầu tư STC Golden Land?
STC Golden Land chưa được biết đến nhiều, nhưng ông chủ thực sự lại là một tập đoàn sở hữu nhiều dự án lớn có quy mô hàng nghìn tỷ. Tuy nhiên hiệu suất sinh lời kém cỏi khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực thực sự của chủ dự án đình đám hơn 1.600 tỷ đồng này.
Chủ đầu tư hoạt động dậm chân tại chỗ
Công ty Cổ phần Bất động sản STC Golden Land từng gây chú ý khi vượt qua 6 doanh nghiệp tham gia đấu giá để trúng đấu giá đất khu đất 23,4ha tại xã Bình Sơn và xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với số tiền hơn 1.626 tỷ đồng. Đến tháng 7/2021, STC Golden Land mới hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng và đang hoàn thiện chỉnh lý hồ sơ xin phê duyệt 1/500.
Đáng chú ý, dự án STC Long Thành hay còn gọi là dự án Khu dân cư xã Bình Sơn – Lộc An đã được rầm rộ chào bán trên các sàn giao dịch từ trước đó khá lâu. Việc dự án được chào bán trong khi chưa đủ điều kiện pháp lý khiến dư luận xôn xao và tò mò về năng lực chủ đầu tư.
Thành lập từ tháng 7/2019 với mục đích triển khai dự án trên, STC Golden Land có vốn điều lệ lên đến 1.200 tỷ đồng nhưng chưa có hoạt động nào thực sự đáng kể. Năm 2020, doanh nghiệp này đạt 167 triệu đồng doanh thu và lãi vỏn vẹn chưa đến 11 triệu đồng. Gần như không phát sinh nợ phải trả khiến tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của STC Golden Land đều ở mức tương đương vốn điều lệ.
Cánh tay nối dài của tập đoàn đa ngành ở Hòa Bình
STC Golden Land chưa được biết đến nhiều nhưng cái tên đứng đằng sau là Hoàng Sơn Group lại không mấy xa lạ với giới đầu tư bất động sản. Người đại diện theo pháp luật của STC Golden Land là ông Nguyễn Nam Chung cũng chính là người đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Hoàng Sơn Group).
Ngoài ra, ông Chung còn đứng tên một số pháp nhân khác như Công ty Cổ phần Thủy điện Bó Sinh, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Suối Hoa và Công ty Cổ phần Du lịch Suối Hoa.
Hoàng Sơn Group từng gây chu ý khi hai đơn vị thành viên là Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 & Mỹ Sơn 2 phát hành thành công 1.480 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3-10 năm nhằm huy động vốn cho 2 nhà máy điện Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2.
Ngoài ra, Hoàng Sơn còn là chủ đầu tư của rất nhiều dự án năng lượng tái tạo khác, trong đó tập trung chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình như Thủy điện Suối Nhạp – Đồng Chum, Thủy điện Suối Nhạp A, dự án thủy điện tại xã Định Cư (Hòa Bình), dự án điện mặt trời trên mặt hồ chứa nước Gia Măng (Đồng Nai), nhà máy điện gió Yang Trung,…
Trước khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, Hoàng Sơn Group còn được biết đến là một trong những “đại gia” xây dựng – bất động sản tại Hòa Bình như dự án Công viên Tuổi trẻ Hoà Bình, Khu liên hiệp thể thao, đô thị sinh thái Sơn Anh, đô thị sinh thái Sông Đà, đô thị Nam quảng trường Hoà Bình…
Quy mô hoành tráng nhưng lãi lẹt đẹt
Là một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án lớn có quy mô hàng nghìn tỷ nhưng Hoàng Sơn Group lại gây bất ngờ khi chỉ lãi “hời hợt” vài tỷ mỗi năm trong khi doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Từ năm 2017, doanh thu thuần của Hoàng Sơn Group liên tục tăng qua từng năm và đến năm 2020 đã đạt 729 tỷ đồng, tăng đến 49% so với năm trước và là mức cao nhất trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, Hoàng Sơn Group cũng chỉ lãi vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng tương ứng biên lãi ròng chỉ 0,36% tức là 1.000 đồng doanh thu mới đổi 3,6 đồng lãi.
Những năm gần đây, quy mô của Hoàng Sơn Group liên tục được mở rộng với tổng tài sản vào cuối năm 2020 đạt 1.743 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm và gấp rưỡi thời điểm cuối năm 2017. Nguồn vốn tài trợ chủ yếu đến từ nợ phải trả trong khi vốn chủ sở hữu gần như đi ngang quanh mức 270 tỷ đồng trong nhiều năm trước khi tăng vốn điều lệ lên 420 tỷ đồng trong năm 2020.
Nếu so với quy mô vốn và tài sản, hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp này thậm chí còn tệ hại hơn nhiều với ROA và ROE năm 2020 lần lượt ở mức 0,15% và 0,6%. Kinh doanh kém hiệu quả khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về năng lực của doanh nghiệp này đặc biệt trong bối cảnh liên tục trúng thầu các dự án lớn.
Gia Nguyên