Sở Giáo dục giới thiệu bán… áo lót nữ sinh: Kinh doanh trục lợi học đường

Việc Sở GD&ĐT Long An có công văn giới thiệu sản phẩm áo lót giúp doanh nghiệp là việc làm không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của sở này.

Một tình trạng đang diễn ra khiến không chỉ các phụ huynh bức xúc mà dư luận cả nước cũng xôn xao, khi hoạt động xã hội hóa giáo dục bị biến tướng. Thay vì các chương trình liên quan đến giáo dục, hiện nay, học sinh nhà trường đang bị lợi dụng để đưa sản phẩm, hàng hóa vào tiêu thụ, biến trường học thành thị trường kinh doanh béo bở của những “doanh nghiệp sân sau”.

Câu chuyện ngành giáo dục tỉnh Long An giúp doanh nghiệp bán sản phẩm… áo lót cho nữ sinh là một ví dụ điển hình như thế.

Các phụ huynh và dư luận bức xúc bởi sản phẩm áo lót cho nữ sinh không nằm trong những hoạt động xã hội hóa liên quan đến giáo dục. Thế nhưng Sở GD&ĐT tỉnh Long An lại có công văn gửi đến các Phòng giáo dục và các phòng GD&ĐT tiếp tục có công văn gửi đến các trường và các trường lại tiếp tục giới thiệu về sản phẩm áo lót của công ty dệt may Nguyên Dung đến các nữ sinh.

Ảnh minh họa.

Dù nội dung các công văn đều có dòng chữ trên tinh thần tự nguyện và không bắt buộc tuy nhiên ai cũng ngầm hiểu khi cả một hệ thống giáo dục ở một tỉnh được vận hành để bán sản phẩm này giúp doanh nghiệp thì đều có sự “bắt buộc” ngầm trong đó.

Nhà trường là môi trường đào tạo giáo dục chứ không phải “đại lý” bán sản phẩm không liên quan đến giáo dục, việc Sở ra công văn về việc các trường giới thiệu, triển khai thực hiện, lập danh sách về một sản phẩm nhạy cảm như áo lót thật là phản cảm bởi đó không phải trách nhiệm của các trường. Thậm chí còn làm ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và uy tín của các trường trong mắt các phụ huynh và dư luận cả nước.

Bởi để phối hợp, hỗ trợ Công ty dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm “Áo lá kháng khuẩn” theo công văn của Sở GD&ĐT tỉnh Long An và của Phòng GD&ĐT, các trường thật khó để tổ chức giới thiệu sản phẩm áo lót đến các nữ sinh. Chả nhẽ lại tập trung các nữ sinh rồi bắc loa giới thiệu sản phẩm, hay bớt thời gian tiết học để giáo viên giới thiệu sản phẩm áo lót.

Chưa nói đến các học sinh đều trong độ tuổi mới lớn, việc giới thiệu sản phẩm áo lót tại trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các em. Trong khi mỗi sản phẩm đều có giá không hề rẻ, độ tuổi các học sinh cấp hai đều chưa làm ra tiền, kinh phí lại dồn về các phụ huynh, trong đó không ít gia đình khó khăn.

Hơn nữa, sản phẩm áo lót vốn là sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường mà môi trường giáo dục vốn không phải nơi mua bán nên sự việc trên khiến dư luận bức xúc.

Dư luận đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Công ty dệt may Nguyên Dung với Sở GD&ĐT tỉnh Long An thân thiết thế nào để Sở này ra công văn gửi các Phòng giáo dục giới thiệu sản phẩm áo lót nữ sinh xuống tận các trường. Có hay không sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp này với các cơ quan chức năng để trục lợi như thế.

Tất nhiên, vấn đề trên cần phải được sớm làm rõ nhưng rõ ràng có sự bất thường khiến dư luận nghi vấn về việc Sở này đang tiếp tay cho doanh nghiệp, thậm chí thiên vị cho doanh nghiệp để tiếp cận đến các học sinh theo kiểu huy động cả hệ thống cùng vào cuộc để giới thiệu sản phẩm.

Vụ việc trên không phải là tình trạng hoạt động xã hội hóa giáo dục bị biến tướng. Bản thân người viết bài đã từng tìm hiểu tại nhiều tỉnh thành vẫn có tình trạng gửi công văn để giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm đến các nhà trường như vậy.

Như câu chuyện từng xảy ra tại Hải Dương khi một phòng giáo dục có công văn giới thiệu doanh nghiệp cung cấp thực phẩm vào bếp ăn học đường xuống tận các trường. Dù chỉ là giới thiệu nhưng cũng khiến các trường loay hoay xoay sở bởi khi đó các trường này đều đã có những doanh nghiệp, đơn vị cung cấp thực phẩm. Như một hiệu trưởng đã tâm sự, ai cũng hiểu công văn chỉ giới thiệu không mang tính bắt buộc nhưng nếu bất tuân thì chắc chắn sẽ có vấn đề.

Thực tế, soi chiếu tất cả các quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và nhà trường, không hề có nhiệm vụ nào phải giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp đến các học sinh.

Bởi vậy, việc Sở ra công văn yêu cầu các Phòng giáo dục phối hợp, hỗ trợ Công ty TNHH dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm “áo lá kháng khuẩn” là hoàn toàn không đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, Sở GD&ĐT tỉnh Long An đã hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ được giao hay chưa mà còn đi thực hiện những việc “bao đồng” như thế.

Sau khi dư luận xôn xao với nhiều ý kiến, lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Long An cho biết rút kinh nghiệm và thu hồi công văn về vụ việc. Sắp tới, việc giới thiệu các sản phẩm tại trường học sẽ được siết chặt.

Cụ thể trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tiệp – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, Sở đã thu hồi công văn của Sở ngày 17/7 về việc phối hợp, hỗ trợ Công ty TNHH dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm “áo lá kháng khuẩn”. Sở sẽ nhận trách nhiệm thiếu sót do sự chủ quan trong việc ban hành văn bản chưa phù hợp, tạo dư luận không tốt. Sự việc làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý, kịp thời chấn chỉnh”.

Tuy nhiên dư luận cả nước đề nghị cần có những chế tài xử phạt với những hành vi như trên. Bởi không thể cứ ban hành công văn khi dư luận có ý kiến thì lại thu hồi như thế.

Theo Thiên Nga/ Vietnamdaily

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục