Anh chàng có bộ ảnh xuyên Việt bằng xe máy đang viral: 26 ngày rong ruổi chặng đường 4.700km!
Với kinh nghiệm du lịch bằng xe máy dày dặn, anh chàng tự tin rủ 2 người bạn đồng hành đi xe máy qua 29 tỉnh, thành Việt Nam trong gần 1 tháng.
Tháng 3/2022, Trương Đình Minh (1997, Hà Nội) thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy trong 26 ngày. Hơn 1 tháng sau đó, bộ ảnh của anh được chia sẻ rầm rộ trên nhiều fanpage/hội nhóm du lịch. Đình Minh cho biết: “Mình đã ấp ủ một chuyến xuyên Việt từ năm đầu đại học và đặt mục tiêu đi trước năm 22 tuổi. Nhưng do vướng bận công việc và mong muốn trang bị đủ dụng cụ (máy ảnh, xe..) nên hoãn lại. Đến đầu năm nay khi vừa kết thúc kỳ nghỉ tết, công việc bị trì hoãn do dịch nên mình đã quyết định lên đường luôn. Lúc đó mình nhận ra chỉ cần có quyết tâm thực hiện, những rào cản về thời gian, kinh tế tự khắc sẽ giải quyết được”.
Đình Minh vốn làm việc trong ngành và cũng yêu thích du lịch nên đã có nhiều kinh nghiệm xê dịch từ trước. Vì vậy, chuyến đi diễn ra khá thuận lợi. Nhờ tính toán kỹ lưỡng về chặng di chuyển, kinh phí, phương tiện, nơi ở… nên hành trình của Đình Minh không quá vất vả. Có lẽ nhờ tính khả thi cao như vậy nên những chia sẻ của anh chàng được đón nhận, phù hợp để tham khảo với những ai có ý định tương tự.
Khởi hành trong tháng 3 từ Hà Nội, chuyến đi của Đình Minh và 2 người bạn đồng hành gặp thời tiết khá thuận lợi, các địa điểm đều chưa quá đông khách du lịch. Sau đây là chi tiết hành trình xuyên Việt của anh chàng:
Về phương tiện: “Mình không có xe số/ xe côn nên đã trao đổi với người bạn thân ở Hải Phòng, dùng chiếc xe Exciter 150 để đi xuyên Việt. Khi nhận xe, mình cho đi bảo dưỡng, lắp thêm giá để điện thoại để xem Google Maps và ba ga buộc đồ phía sau giúp dừng đổ xăng mà không cần tháo đồ, tiết kiệm thời gian”.
Về hành lý: “Kinh nghiệm rút ra của mình: Quần áo đi đường bạn chỉ cần chuẩn bị 1 – 2 quần jean, 1 – 2 áo chống nắng chất liệu thoáng và thời trang (vừa chống nắng vừa check-in đẹp để mỗi lần dừng chụp không mất công thay đồ). đồ dùng lúc đi chơi tại điểm đến thì với con trai chỉ cần 3 – 4 áo thun, quần short mặc và giặt tại khách sạn là đủ. Đồ của mình gói gọn trong 1 balo 40kg (quần áo, giày, đồ vệ sinh cá nhân)”.
Về lưu trú: “Mình sử dụng hết các app hỗ trợ đặt phòng để tìm nơi tốt nhất với mức giá thấp nhất như: Traveloka, Agoda, Airbnb… Ngoài ra mình cũng tìm qua Google Maps bằng cách search từ khóa “homestay hoặc nhà nghỉ” tên điểm tới. Sau đó sẽ chọn nơi nghỉ được đánh giá tốt, thuận tiện di chuyển rồi liên hệ trực tiếp lễ tân và thương lượng giá đặt phòng”.
Về ăn uống: “Nhóm mình 3 người đều dễ trong việc ăn uống nên hầu như đi qua tỉnh thành nào chúng mình cũng tìm các quán ăn, món ăn đặc trưng của địa phương đó để ăn. Món mình ăn nhiều nhất là… cơm tấm. Mình thấy may mắn khi luôn tìm được quán ngon và giá rẻ, không bị chặt chém, không gặp vấn đề tiêu hóa. Nhưng trong balo luôn có sẵn vài lọ thuốc các bệnh vặt để có thể sử dụng ngay khi có triệu chứng lạ. Mình đã có kinh nghiệm phượt và tìm hiểu kỹ trước khi đi nên mọi việc khá thuận lợi”.
“Người đồng hành vô cùng quan trọng trong một chuyến đi dài ngày. Mình ban đầu có ý định sẽ đi một mình, vừa để tự do khám phá, vừa vì sợ không tìm được bạn đồng hành tâm đầu ý hợp. Rất may mắn mình có 2 bạn nữ đồng hành khá ăn ý từ đầu đến cuối. Vì có bạn đồng hành là nữ nên mình đi xe chậm hơn, ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ hơn. Khi đi chặng đường dài, dù một mình 1 xe nhưng biết phía sau có 2 bạn thì cũng thấy bớt cô đơn, và mỗi bữa cơm có người chia sẻ” – Đình Minh cho biết.
Nửa đầu hành trình 4.700km, trục chính nhóm bạn lựa chọn di chuyển theo Quốc lộ 1A. Với những ý kiến cho rằng đây là chặng đường nhiều xe cộ, ít cảnh đẹp, Đình Minh cho biết: “Theo mình thì do cảm nhận và mục đích của mỗi người, nếu bạn có nhiều thời gian cho hành trình thì có thể đi những con đường nhánh để thăm quan, ngắm cảnh nhiều hơn, còn để tiết kiệm thời gian di chuyển thì 1A là đường nhanh nhất. Ở các chặng sau, mình lựa chọn đường Hồ Chí Minh và đường ven biển để ngắm cảnh và tận hưởng thiên nhiên”. Anh chàng cũng chia sẻ đã có 2 lần đi xe máy từ Hội An về Hà Nội và Quy Nhơn – Nha Trang nên những điểm này chỉ ghé qua chứ không ở lại lâu.
Xuyên suốt chuyến đi, trung bình thời gian cả nhóm ngồi trên xe máy khoảng 4 – 5 tiếng mỗi ngày, tương đương 200km di chuyển chậm, riêng ngày đầu đi 300km từ Hà Nội vào Nghệ An. Phan Thiết – TP.HCM – Đà Lạt là 3 tỉnh thành Đình Minh dừng chân lâu nhất (ở 3 đêm mỗi nơi). Sóc Trăng là nơi ở lại ngắn nhất (1 đêm). Một số điểm đến và cung đường ấn tượng Đình Minh chia sẻ bao gồm: Cầu vòm Đồn Cả (Đèo Hải Vân), đảo Phú Quý, đường ven biển Vĩnh Hy, đèo Khánh Lê từ Đà Lạt đến Nha Trang, đường Năm Căn đi Mũi Cà Mau…
Tổng kết chuyến đi của Đình Minh
– Thời điểm: Tháng 3/2022
– Số ngày: 26
– Chi phí: 18 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí chuẩn bị trước chuyến đi)
– Những nơi đã qua: 29 tỉnh thành và đảo Phú Quý
– Chặng đường: 4.700 km
– Sự cố: 0 lần ngã xe, dính đinh hai lần nhưng rất may không phải vá
Lịch trình tham khảo
Ngày 1: Hà Nội – đường Hồ Chí Minh – Vinh (Nghệ An)
Ngày 2: Vinh – ngã ba Đồng Lộc – Đồng Hới (Quảng Bình)
Ngày 3: Đồng Hới – Huế
Ngày 4: Huế – Hội An
Ngày 5: Hội An – Quy Nhơn
Ngày 6: Quy Nhơn – Tuy Hòa
Ngày 7: Tuy Hòa – Phan Rang Tháp Chàm
Ngày 8: Phan Rang – Vĩnh Hy (cung đường ven biển) – Cà Ná
Ngày 9: Cà Ná – Bàu Trắng – Mũi Né – Phan Thiết
Ngày 10: Phan Thiết – Phú Quý
Ngày 11: Phú Quý
Ngày 12: Phú Quý – Phan Thiết – Lagi
Ngày 13: Lagi – Vũng Tàu
Ngày 14: Vũng Tàu – TP.HCM
Ngày 15: TP.HCM – Sóc Trăng
Ngày 16: Sóc Trăng – Cà Mau
Ngày 17: Cà Mau – ngã 5 (Sóc Trăng)
Ngày 18: Ngã 5 – Sa Đéc – Long Xuyên
Ngày 19: Long Xuyên – Tri Tôn – Tịnh Biên
Ngày 20: Tịnh Biên – TP.HCM
Ngày 21: TP.HCM
Ngày 22: TP.HCM – Đà Lạt
Ngày 23 – 24: Đà Lạt
Ngày 25: Đà Lạt – Nha Trang – Cam Ranh
Ngày 26: Cam Ranh – Hà Nội
Theo Trí thức trẻ