Để doanh nghiệp bất động sản không ‘tắc thở’ vì thiếu vốn
Theo các chuyên gia, đối với thị trường bất động sản, nguồn vốn là "mạch máu" lưu thông. Nếu không tiếp cận được, các doanh nghiệp sẽ "ngộp thở" dẫn đến "tắc thở".
Không tiếp cận được vốn, doanh nghiệp sẽ “tắc thở”
Tại tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do báo Thanh Niên phối hợp với Viện Kinh tế xanh tổ chức ngày 7/6, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định, vốn đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung là “mạch máu” lưu thông, là “ô xy” dưỡng khí của doanh nghiệp. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn thì doanh nghiệp sẽ “ngộp thở” dẫn đến “tắc thở”.
Chủ tịch HoREA dẫn báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổng dư nợ cho thị trường bất động sản hiện 2,288 triệu tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 37.000 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ chiếm khoảng hơn 1,6%, nếu so với quy mô của nền kinh tế chỉ ở mức bình thường, chiếm 19,16%, không đáng lo ngại.
“Với hơn 2,2 triệu tỷ đồng cho vay bất động sản, nghe có vẻ rất lớn nhưng so với quy mô của nền kinh tế thì chỉ chiếm 19,16% nên dư nợ bất động sản không có gì hốt hoảng, rất bình thường. Tuy nhiên, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng vào bất động sản để nợ xấu không phình lên”, ông Châu nhận định.
Cũng theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không siết tín dụng vào bất động sản,vì thế cần có cơ chế để các doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng. Cụ thể, các doanh nghiệp khỏe mạnh, những khách hàng tin cậy, có tín nhiệm và các dự án đáp ứng đủ điều kiện, đảm bảo tính khả thi phải được tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, các doanh nghiệp có dự án khả thi cũng cần có cơ chế tiếp cận nguồn tín dụng. Ông Châu cho rằng, ngân hàng thương mại hiện còn cho vay theo kiểu tiệm cầm đồ, yêu cầu tài sản thế chấp trên dưới 70%. Như vậy là chưa đánh giá tính khả thi của dự án để cho vay.
“Nếu chúng ta không thay đổi phương pháp cho vay trên cơ sở đánh giá tín nhiệm, đánh giá chất lượng thì rất khó để Việt Nam có thể xuất hiện những tập đoàn lớn, mạnh như Hyundai, Samsung của Hàn Quốc”, chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Đón “đại bàng vàng” về Việt Nam làm tổ
Về phía mình, ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Kinh tế xanh nhận định, không chỉ khơi thông nguồn vốn trong nước mà cần khơi thông cả nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông, kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhiều quốc gia chưa kịp ổn định và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tình hình bất ổn chính trị tại nhiều nơi, chiến tranh leo thang, khủng hoảng tiền tệ… đã khiến cho nhu cầu tìm những “bến đỗ” an toàn, bền vững của những nhà đầu tư lớn trở nên cần kíp, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ông cho rằng đây là thời điểm “vàng” để Việt Nam tập trung mọi nguồn lực ổn định “sức khỏe” vĩ mô, nhằm thu hút dòng vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đoàn kết một lòng, cả chính quyền và doanh nghiệp để tận dụng nguồn lực FDI chất lượng, thúc đẩy quá trình tái thiết kinh tế hậu Covid-19”, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Kinh tế xanh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, ôn Thành cho rằng đầu tiên Nhà nước cần khơi thông nguồn tín dụng bất động sản trong nước để doanh nghiệp nỗ lực, phục hồi “sức khỏe” sau đại dịch. Doanh nghiệp có khỏe thì nền kinh tế mới mạnh, môi trường kinh doanh mới minh bạch, rõ ràng thì mới thu hút được các nhà đầu tư lớn và các nguồn FDI chất lượng.
“Cả hai việc đều cần phải làm ngay vì đây là thời điểm vàng để Việt Nam đón ‘đại bàng vàng’ về làm tổ. Hiện nay các nhà đầu tư hàng đầu châu Á như Orix (Nhật Bản), CK Asset (Hồng Kông)… đều đặc biệt ấn tượng với kết quả chống dịch của Việt Nam, sự đồng lòng, quyết tâm tái thiết kinh tế, xã hội mạnh mẽ của chính quyền và doanh nghiệp”, ông Lê Thành nêu.
Ngoài ra, ông Thành còn chỉ ra Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển bất động sản nói chung và đặc biệt là bất động sản tinh hoa như: kinh tế phát triển nhanh, thu nhập người dân, là trung tâm kinh tế năng động… tạo điều kiện để đầu tư thật, làm thật những dự án bền vững, xanh, hiện đại, ứng dụng công nghệ xây dựng và vận hành mới nhất.
Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận