Các doanh nghiệp FDI “ngại” chuyển giao công nghệ, kinh tế Việt Nam chưa thể tự chủ

"Dù kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thế nhưng, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu".

Kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ “Đổi mới” từ năm 1986, cho tới nay, quan điểm xuyên suốt vẫn là xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn chưa tự chủ

Sau 36 năm “Đổi mới”, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng thần tốc. Cụ thể, quy mô kinh tế đã tăng 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất – nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn FDI cũng tăng 22 lần.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% trong năm 1993 đã giảm xuống chỉ còn 2,23% trong năm 2021, tinh theo quy chuẩn mới.

Tuy nhiên, theo phát biểu của ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4: Dù kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thế nhưng, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu.

Ông Tuấn Anh phân tích: Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp.

Thế nhưng, sự lan tỏa của khu vực FDI không lớn. Các doanh nghiệp FDI cũng rất khiêm tốn khi chuyển giao công nghệ. Như vậy, rất khó để kinh tế Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực tế cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp, bình quân chỉ đạt 20% – 25%.

Trong 27.500 dự án đầu tư nước ngoài, chỉ có khoảng 1.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Do đó, để có thể trở thành một nền kinh tế tự chủ, độc lập, Việt Nam không thể chỉ dựa vào khối doanh nghiệp FDI”, ông Tuấn Anh nói.

Ngoài yếu tố nêu trên, ông Tuấn Anh cũng cho rằng, ngay bản thân nội tại nền kinh tế cũng chưa chú trọng tới lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.

Cụ thể, tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cả nhà nước và tư nhân chỉ đạt 0,53% GDP năm 2019, thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7% và một số nước như Thái Lan 0,8%, Malaysia 1,4%, Trung Quốc 2,1%.

Năng lực sáng tạo còn thấp, số bằng sáng chế của Việt Nam do các cơ quan uy tín thế giới cấp chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/3170 Trung Quốc, tỷ lệ bằng sáng chế/1 triệu dân là 0,21 đứng thứ 91/141 quốc gia.

Trong 20 năm (2011-2020), số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm 4,62% tổng số bằng được cấp.

Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn ở mức thấp với việc nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như 80% giống rau và 60% giống ngô.

Về tổng thể cho thấy, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc”, ông Tuấn Anh nói.

Những bất cập trên đã làm cho tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu Chiến lược đề ra, biên độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Trong đó, giai đoạn 1991-2000 đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 xuống còn 6,6%/năm, giai đoạn 2011-2020 trung bình chỉ đạt 6,17%/năm.

Thu nhập bình quân đầu người gia tăng với tốc độ chậm và vẫn nằm ở mức thấp, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực đang hiện hữu. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế còn yếu.

Vì vậy, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Kinh tế Việt Nam phải có sự đột phá

Trong  Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong hai năm 2019 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao nhiệm vụ là nghiên cứu một chuyên đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, để phục vụ xây dựng Văn hiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến các cú sốc về đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị và những thách thức liên quan đến vấn đề vĩ mô như là lạm phát, điều chỉnh về chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn… đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 6 nhóm giải pháp để triển khai trong thời gian tới, nhằm đưa kinh tế Việt Nam tự chủ.

Thứ nhất là duy trì sự ổn định và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường… trong đó trọng tâm lớn nhất là giữ vững ổn định và phát triển về hệ thống chính trị, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp đột phá. Trong đó, phải đột phá về thể chế mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ với thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tề và gắn với điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Đồng thời phải đột phá về hạ tầng, đột phá nguồn nhân lực, mà trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ để dần tiến tới từng bước làm chủ khoa học công nghệ để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh chất lượng của nền kinh tế.

Nhóm nhiệm vụ thứ tư là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đây là nhiệm vụ kiến tạo nên sự phát triển xanh, phát triển bền vững.

Nhóm nhiệm vụ thứ năm là huy động tối đa nguồn lực để phục vụ cho việc phát triển.

Nhóm nhiệm vụ thứ sáu và hết sức quan trọng của nền kinh tế tự chủ hội nhập quốc tế là thực hiện các giải pháp để chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng cao vị thế, vai trò của đất nước gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ, duy trì hòa bình và phát triển.

Định Trần | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục