Ngân hàng Nhà nước: Lạm phát gây ra nhiều áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, dù bất kỳ nguyên nhân nào gây ra lạm phát cũng đều tạo ra rất nhiều áp lực trong công tác điều hành các chính sách tiền tệ.

Trong buổi họp báo tình hình hoạt động ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 sáng nay (15/6), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Công tác điều hành tiền tệ trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, do quá trình lạm phát đang ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Theo ông Tú, chiến sự giữa Nga – Ukraine đã khiến tình trạng lạm phát trên thế giới trở nên trầm trọng, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Đơn cử như Mỹ, cường quốc kinh tế số 1 thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát lên tới 8,6%, Đức cũng duy trì lạm phát trên 7% trong 3 tháng quá.

Tại khu vực châu Á, lạm phát tại Trung Quốc là 5,9%, Thái Lan là 7,6%, Indonesia là 3,6%. Cá biệt, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 73%.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, lạm phát của Việt Nam tăng 1,1%, vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới.

“Tình trạng lạm phát toàn cầu hiện nay đều liên quan tới việc hàng hóa tăng giá chóng mặt, chứ không phải là lạm phát tiền tệ. Tuy nhiên, dù bất kỳ nguyên nhân nào gây ra lạm phát cũng đều tạo ra rất nhiều áp lực trong công tác điều hành các chính sách tiền tệ. Đặc biệt là năm 2023, khi lạm phát trở nên phức tạp hơn, thì công tác điều hành tiền tệ sẽ trở thành bài toán khó”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích: Lạm phát đã không còn là nguy cơ, mà nó đã hiện hữu ở mọi mặt kinh tế – xã hội. Khi nền kinh tế độ mở lớn, có thời gian trầm lắng, dòng tiền đứt đoạn thì đến giai đoạn phục hồi nhu cầu tiền đưa vào lưu thông, nhu cầu tín dụng tăng lên là vấn đề cần tính toán, xem xét, trước yếu tố tác động đến lạm phát.

Trong bối cảnh như hiện nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trước diễn biến kinh tế trên, Ngân hàng Nhà nước triển khai rất tích cực các giải pháp phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện tăng trưởng nguồn vốn vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Ngân hàng Nhà nước điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất – kinh doanh.

Đối với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát. Thanh khoản thị trường tiếp tục thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội 2022-2023.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường…

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục