Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cần phát huy lợi thế người đi sau

Với nội lực hiện nay của nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp nói riêng, Chính phủ chỉ cần xác định rõ phương hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, sẽ có các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng đứng lên đấu tranh cho tính độc lập, tự chủ này.

Đó là nhấn mạnh của TS. Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khi trả lời phỏng vấn của Nhà báo & Công luận.

+ Thưa ông, ông thấy thế nào khi gần đây Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục nói đến vấn đề Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ?

– Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi lập nước. Đến Hội nghị Trung ương IV khóa VI, rồi đến khóa IX, khái niệm này đã được nhắc đến, trong đó khẳng định ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực mới là yếu tố quyết định.

Từ Đại hội VIII, Nghị quyết của Đảng xác định tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Vì vậy, chúng ta cần hiểu nội hàm của khái niệm nền kinh tế độc lập, tự chủ trong mỗi thời kỳ khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên từ đầu năm Thủ tướng đã nói đến vấn đề này. Và gần đây Thủ tướng đã nhiều lần phát biểu về vấn đề này bởi vì việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

+ Vậy trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần hiểu như thế nào về khái niệm này, thưa ông?

– Có thể thấy rằng việc trải qua hơn 30 năm hội nhập đã mang lại những bước tăng trưởng ấn tượng cho nền kinh tế Việt Nam. Cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chúng ta dần dần xác định được các thế mạnh của mình, từ đó phát huy nội lực để tự chủ dựa trên nguồn lực của chính chúng ta.

Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng sự bất định của kinh tế thế giới đang ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Cả thế giới có thể dự báo được thiên tai nhưng không ai biết trước có đại dịch COVID19. Cùng lúc đó, chúng ta cũng chứng kiến tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine tới thế giới rất mạnh… Tăng trưởng thế giới suy giảm trong khi lạm phát toàn cầu tăng cao; đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng. Bên cạnh đó là những vấn đề mặt trái của toàn cầu hóa, như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh mạng…

Vậy trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định như thế, phải chăng chúng ta nên tạm đóng cửa lại để tự mình phát triển? Không phải như vậy! Chúng ta không thể một mình một chợ, không thể xây dựng một nền kinh tế tự cung tự cấp, tự làm mọi thứ.

Thay vào đó phải tiếp tục chủ động mở cửa hội nhập đi cùng với phát huy các thế mạnh đã được khai phá, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự chống đỡ trước các cú sốc.

+ Ông đánh giá như thế nào về khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

– Khái niệm nền kinh tế độc lập, tự chủ theo các Nghị quyết của Đảng là nền kinh tế mà các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời được quyền thảo luận về các giá trị đã đóng góp trong chuỗi để có được lợi nhuận. Chúng ta cần hiểu độc lập tự chủ của nền kinh tế Việt Nam là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và phải đi từ doanh nghiệp.

Khi đặt trong thước đo này, có thể thấy hiện nay nông nghiệp là lĩnh vực chúng ta tương đối tự chủ, có thể mặc cả hay tham gia định giá trên thị trường quốc tế vì có số lượng hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn (nhất là với gạo, cà phê, thủy sản). Còn lại các mảng khác của nền kinh tế nói chung còn yếu, chưa đạt được sự tự chủ như kỳ vọng.

+ Để có thể độc lập, tự chủ thì chúng ta cần có nguồn lực. Mà như ông cũng thấy, nguồn lực của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam có hạn, quy mô doanh nghiệp nhỏ bé. Vậy chúng ta sẽ phát huy nội lực bằng cách nào?

– Nguồn lực hữu hạn là vấn đề của tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Điều quan trọng là phải làm sao để nguồn lực hữu hạn đó được sử dụng tốt nhất và mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta thường nói quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé, nhưng ở một góc nhìn khác thì nền kinh tế Việt Nam với các doanh nghiệp quy mô nhỏ lại có ưu thế là khả năng chuyển đổi nhanh. Tất nhiên cùng với quá trình chuyển đổi đó, chúng ta cũng cần xây dựng lực lượng doanh nghiệp khỏe hơn, phát triển với nền quản trị hiện đại hơn. Cần đội ngũ doanh nhân có tư duy về quản trị và tính liên kết.

+ Vậy ở tầm quốc gia, vấn đề phát huy nội lực có thể hiểu như thế nào, khi mà nền kinh tế của ta đã đi sau khá lâu so với các quốc gia phát triển, thưa ông?

– Muốn vươn cao phải biết đứng trên vai người khổng lồ. Các nước phương Tây đã có 300 năm công nghiệp hóa và chúng ta cần tận dụng lợi thế đi sau chứ không cần đặt vấn đề phải tự sản xuất, bảo đảm tất cả. Chúng ta tập trung vào những gì chúng ta có tiềm năng, những gì là thế mạnh của chúng ta.

Chẳng hạn, Việt Nam đã có nền nông nghiệp phát triển tương đối thuận lợi và có vị thế trên thị trường quốc tế. Trên nền tảng hiện nay, cần tự nghiên cứu xem có làm lúa ba vụ hay sẽ chuyển đổi cơ cấu, chỉ sản xuất một và hai vụ lúa. Tuy chỉ làm hai vụ nhưng chúng ta sẽ cho thế giới biết là chúng ta sản xuất gạo hữu cơ, đồng thời chuyển cơ cấu cây trồng theo hướng đất cao trồng cây trái, đất thấp trồng
lúa.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng ta cũng thay đổi hướng đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với nông nghiệp, không cần hệ thống đê bao ở Đồng bằng sông Cửu Long mà để nước ngập tràn ruộng, các loài tự đấu tranh sinh tồn, đó chính là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Chúng ta sẽ chỉ cần đầu tư đê bao cho nhà ở và vùng cây trái lâu năm.

Cùng với đó, về đối ngoại, chúng ta sẽ nói với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia rằng cùng là liên doanh lúa gạo thì các nước phải tôn trọng nhau. Dòng sông là của chung, các nước phải ngừng đắp đập. Nếu không Việt Nam sẽ phản ứng. Ta sẽ dùng gạo của ta để cạnh tranh với gạo của họ, dùng tôm của ta cạnh tranh với tôm của họ…

+ Vậy để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chúng ta cần những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?

– Với nội lực hiện nay của nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp nói riêng, Chính phủ chỉ cần xác định rõ phương hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, sẽ có các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng đứng lên đấu tranh cho tính độc lập, tự chủ này. Ví dụ, các hiệp hội sẽ lên tiếng nếu Thái Lan bán phá giá tôm, thậm chí kiện sang tận Mỹ. Vừa qua, chúng ta cũng đã sẵn sàng phản ứng lại với Thái Lan trong câu chuyện cạnh tranh ngành mía đường. Đây chính là độc lập, tự chủ.

Như vậy, chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững và tận dụng được cơ hội từ hội nhập. Đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.

+ Xin cảm ơn ông!

Hà Chi (Thực hiện)

Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục