Nghịch lý của ngành du lịch: Giá tour nội địa còn cao hơn tour quốc tế

Hiện ngành du lịch đang có đà phát triển, nhiều địa phương đang thực hiện các chính sách kích cầu du lịch. Thế nhưng, ngành du lịch nội địa đang xuất hiện nghịch lý. Đó chính là giá dịch vụ du lịch, giá tour du lịch nội địa đang cao hơn nhiều so với du lịch quốc tế.

Sáng 27/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã tổ chức Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm.

Nghịch lý của ngành du lịch

Trong hội nghị này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhờ vào Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội đã được Chính phủ thông qua, nhiều ngành kinh tế đã có sự tăng trưởng trở lại sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19. Trong đó, du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Nghịch lý của ngành du lịch: Giá tour nội địa còn cao hơn tour quốc tế.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết: Hiện ngành du lịch đang có đà phát triển, nhiều địa phương đang thực hiện các chính sách kích cầu du lịch. Thế nhưng, ngành du lịch nội địa đang xuất hiện nghịch lý. Đó chính là giá dịch vụ du lịch, giá tour du lịch nội địa đang cao hơn nhiều so với một số tour du lịch quốc tế, đơn cử như Thái Lan. “Rõ ràng, nếu giá du lịch nội địa cao hơn quốc tế, thì người Việt sẽ lựa chọn du lịch quốc tế, hơn là du lịch trong nước. Đây chính là nghịch lý của ngành du lịch Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư nêu ra nghịch lý của ngành du lịch.

Thừa nhận nghịch lý này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Hiện nay, các công ty lữ hành, tổ chức tour du lịch đang giảm giá tour, thế nhưng, giá vé máy bay lại đang tăng rất cao do chi phí nhiên liệu tăng. Do đó mới có hiện tượng giá tour du lịch trong nước ở thời điểm này đang tăng cao.

Bên cạnh đó, các ngành nghề liên quan tới du lịch, như hàng không, vận tải, lữ hành, cơ sở lưu trú,… chưa có sự liên kết với nhau, dẫn đến hiện tượng giá du lịch nội địa chưa thể cạnh tranh với giá quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các ngành liên quan tới du lịch sẽ cần phải có một cuộc họp khẩn để đưa ra tiếng nói chung, để hạ giá thành các tour du lịch.

Ngành du lịch tăng trưởng, nhưng có thực sự “rực rỡ”?

Cũng trong Hội nghị lần này, ông Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Trong một số báo cáo cho rằng, ngành du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ, rực rỡ. Có doanh nghiệp tăng 50%, 100% thậm chí tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng: Năm 2021, cả nước đang phải oằn mình chống dịch dịch, ngành du lịch gần như tê liệt. Do đó, sự tăng trưởng 50% hay 200% là vô nghĩa, bởi xuất phát điểm bằng không.

Ông Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam.

“Đáng nhẽ, nếu so sánh sự tăng trưởng thì phải so với thời điểm trước dịch, đó là năm 2019. Nếu so với cùng thời điểm của năm 2019, thì du lịch mới chỉ tăng 5%, như vậy chưa đáng kể”, ông Bình thẳng thắn nói.

Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, hiện nay, ngành du lịch Việt Nam đang quá chú trọng phát triển du lịch nội địa, để giải quyết khó khăn trước mắt là dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng.

Dù vậy, giải pháp kích cầu nội địa chỉ tạm thời, về lâu dài nó sẽ để lại hậu quả không tốt cho ngành du lịch Việt Nam.

Theo ông Bình: Du lịch nội địa dù có số lượng khách lớn, nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% doanh thu toàn ngành. Tính tới hiện tại, doanh thu du lịch nội địa khoảng 48 triệu USD, dự kiến đến hết năm 2022 là khoảng 100 triệu USD.

“Sự tăng trưởng của du lịch nội địa là tín hiệu tốt, thế nhưng nó đang gây ra áp lực cho ngành du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, doanh thu từ du lịch nội địa không cao, nên sẽ kéo chất lượng du lịch đi xuống, như vậy về lâu dài sẽ hạ thấp vị thế của du lịch Việt Nam”, ông Bình nói.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Bình nói: Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều khách sạn 4, 5 sao phải giảm giá phòng để kích cầu nội địa. Tương tự, các công ty lữ hành cũng vậy, đây là giải pháp trước mắt. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, giá cả nhiên liệu đang tăng rất cao, việc giảm giá mãi cũng không được. Vì giảm giá, đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ sẽ giảm, như vậy, ngành du lịch Việt Nam sẽ bị thụt lùi so với thế giới.

Chính vì lẽ đó, phải bằng mọi cách kích cầu du lịch quốc tế, thu hút khách du lịch hạng sang tới Việt Nam trải nghiệm du lịch, vừa tăng doanh thu du lịch, vừa nâng hạng du lịch Việt Nam trên trường quốc
tế.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục