Người trẻ trong bão giá: Chi tiêu thế nào để tránh bị “cháy túi”
Trước tình hình vật giá leo thang chóng mặt, không ít người trẻ phải đối mặt với vấn đề cân đối thu chi sao cho phù hợp. Đặc biệt, việc thu chi càng trở nên khó khăn hơn với những người sống ở các thành phố lớn – nơi có mức sống cao, khiến họ cảm thấy mệt mỏi.
Nhiều lần ‘ở ké’ công ty để đỡ tiền điện nước
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, trong khoảng 1 tháng qua, cuộc sống của nữ sinh Lê Thị T. (sinh viên năm 3, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) dần khó khăn hơn bởi các khoảng chi tiêu đều “đội sổ” so với tháng trước.
Trước đây, với số tiền làm thêm hàng tháng là 3-4 triệu đồng, T. hoàn toàn có thể dùng đủ cho các khoản phí sinh hoạt. Nhưng sau Tết, số tiền đó chỉ có thể “cứu cánh” được T. trong hơn nửa tháng.
“Tiền trọ mỗi tháng tốn mất 2 triệu, ăn uống và chi tiêu cho các khoản vui chơi đã lên hơn 2 triệu, thay vì chỉ 1 triệu như trước đây, chưa kể đến chi phí đi lại, các trường hợp bất ngờ khác. Nếu chỉ nhờ vào một nguồn thu, thật sự không đủ để chi tiêu ở thành phố lớn”, T. nói.
Được biết, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ ngày 21/6 là 31.300 đồng một lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng một lít (tăng 500 đồng).
Điều này khiến T. đau đầu hơn bởi nơi làm thêm cách trọ khoảng hơn 7 km, phí đi lại của nữ sinh tăng lên rất nhiều, từ 50.000 đồng cho 2 ngày, nay chỉ đủ chạy trong 1 ngày.
Ảnh hưởng của giá cả đã khiến thói quen sống của không ít người trẻ bị thay đổi. Trong đó, Như Quỳnh (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ, Quỳnh ra ngoài từ sáng đến tối muộn mới về nhà vì chọn cách ở lại công ty càng lâu càng tốt, để đỡ tiền điện nước. Lí do là vì nơi Quỳnh làm việc là công ty gia đình, có nấu cơm trưa cho các nhân viên nên Quỳnh cũng tranh thủ ăn “ké”. Riêng các khoản chi cho vui chơi, Quỳnh cắt hết, chỉ tập trung vào làm việc.
Để tiết kiệm, Ngọc Nhi (22 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đôi lúc cảm thấy khá kiệt sức. Khác với lối sống khá thoáng trước đây, Nhi chuyển sang kiểu người luôn suy nghĩ rất rõ trước khi mua gì đó. Thay vì đi xe ôm công nghệ, bạn chọn đi xe buýt để tiết kiệm. Thói quen “lướt” sàn thương mại điện tử cũng được hạn chế. Song, mục tiêu dư ra khoảng 1 triệu đồng/tháng dường như vẫn còn khá khó khăn đối với Nhi.
“Dù chăm chỉ làm thêm, cố gắng thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn không dư được đồng nào. Cái gì cũng tăng, trong khi đó lương thì vẫn như vậy. Thật sự rất khó khăn và mệt mỏi, có lẽ tôi sẽ ngưng làm một khoảng thời gian để trở về nhà với ba mẹ. Sau đó tình hình ổn định hơn thì tính tiếp”, Nhi tâm sự.
Đứng ngoài bão giá nhờ chi tiêu hợp lí và tận dụng nhiều nguồn thu
Không giống như các bạn đồng trang lứa, Thảo Nguyên (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh khá thoải mái trong những ngày vật giá leo thang. Cô gái 23 tuổi thường mua sắm ở siêu thị bên trong khu chung cư mình sinh sống, chỉ ghé qua chợ truyền thống khi cần mua các loại gia vị như lá chanh hay rau thơm.
Ngoài ra, cô cũng tìm mua đồ khô với mức giá hợp lý trên các sàn thương mại điện tử. Mỗi lần đi chợ của nữ nhân viên văn phòng rơi vào khoảng 50.000-150.000 đồng, đủ ăn trong 2-3 ngày, chủ yếu là các loại rau củ, hoa quả và đồ ăn vặt. Cô còn tận dụng nguồn lương thực “tiếp tế” từ gia đình ở quê. Vì thế, tiền chi cho ăn uống chưa đến 1.500.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Nguyên còn xin làm thêm công việc vào buổi tối để tăng thêm thu nhập. Ăn uống hàng ngày, nữ sinh chọn nấu ăn tại nhà hoặc “đỏ mắt” tìm các quán ăn giá rẻ.
Với quan điểm chi tiêu không quá tiết kiệm, nhưng phải hợp lí và thông minh, Nguyên dễ dàng có được những buổi hẹn đi chơi, mua sắm hàng tháng mà không cần nghĩ ngợi.
Theo anh Xuân Tiến – chuyên gia quản lý tài sản (Wealth Advisor), đây là thực trạng rất phổ biến, không chỉ các bạn trẻ mà người ở độ tuổi lớn hơn cũng thường xuyên gặp phải. Nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 nghiêm trọng trong năm 2021, thu nhập của phần lớn người dân bị ảnh hưởng thì việc bị thâm hụt chi tiêu cũng như khoản tiết kiệm bị hao hụt, xảy ra với hầu hết các tầng lớp thu nhập từ thấp đến cao.
Để đứng ngoài bão giá, thói quen sống không bị ảnh hưởng nhiều, họ cần hiểu những nguyên nhân khiến tài khoản “trống rỗng”, rồi đưa ra những giải pháp hợp lí.
Người trẻ cần xác định các khoản chi thiết yếu và không thiết yếu và lên ngân sách cho từng khoản. Nếu chạm ngưỡng ngân sách thì không chi thêm hoặc cân đối lại từ khoản không thiết yếu. Người trẻ cần cho bản thân thời gian cân nhắc trước khi mua hàng đắt tiền (từ 2 – 3 ngày).
Bên cạnh đó, cần đặt ra một mức tiết kiệm cố định hàng tháng và chuyển khoản tiết kiệm đó ngay khi nhận được lương. Giới trẻ cần đảm bảo là vẫn có thể chi tiêu vừa đủ sau khi đã trừ khoản tiết kiệm. “Khéo gói thì no, khéo co thì ấm”, bằng cách này, chúng ta sẽ có được một khoản dự phòng sau 1 thời gian. Bên cạnh đó, cũng nên tạo rào cản khi muốn sử dụng quỹ tiết kiệm nêu trên, đảm bảo rằng sẽ sử dụng đến khoản tiết kiệm này khi thật sự cấp bách và cần thiết.
Hơn hết, nên hạn chế tối đa việc sử dụng thẻ tín dụng nếu chưa có kinh nghiệm sử dụng sản phẩm này. Hạn mức tín dụng ở mức vừa phải, liên tục cập nhật hạn mức chi tiêu và tối đa chỉ duy trì 1-2 thẻ.
“Việc tăng thu nhập hiện nay có ba hướng. Đầu tư vào bản thân, có nghĩa là học thêm về kỹ năng nghiệp vụ cho ngành nghề đang công tác để lên các vị trí cao hơn. Người trẻ cũng cần đa dạng hóa nguồn thu từ nghề tay trái. Cuối cùng, quan trọng là đầu tư vào thị trường tài chính. Đầu tư đối với tôi là một kỹ năng rất quan trọng mà các bạn trẻ cần phải biết trong tương lai nếu muốn đạt được tự do tài chính. Tuy nhiên, thị trường tài chính có rất nhiều rủi ro, các bạn cần phải trang bị kiến thức tài chính và tâm lý thật vững vàng thì mới có thể gặt hái được thành công”, chuyên gia nói.
Thúy Vy | Nhà báo & Công luận