Sàn TMĐT mới ‘hồi sinh’ Leflair và cuộc chơi với các ông lớn Shopee, Lazada

Đánh giá Shopee, Lazada, Tiki… là những nền tảng tuyệt vời, đang đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dùng nhất, song ông Loïc cho rằng "không có nghĩa họ có thể phục vụ 100% nhu cầu của tất cả khách hàng trong thị trường này".

“Hồi sinh” sau thương vụ M&A

Vào quý III/2021 vừa qua, thương hiệu Leflair chính thức “hồi sinh” thông qua thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) bởi công ty công nghệ tại Mỹ – Society Pass (SoPa). Leflair hiện đã được chuyển nhượng quyền sở hữu tên thương mại và các tài sản vô hình đi kèm nhãn hiệu cho nhà đầu tư mới. Theo đó, Leflair sẽ chỉ là cái tên quen thuộc, được mua lại và vận hành hoàn toàn bởi ông chủ mới.

Ông Loïc Gautier, CEO Leflair Group – Nguồn: NVCC

Song, Loïc Gautier – người được ban lãnh đạo SoPa bổ nhiệm làm CEO Leflair Group hồi tháng 4/2022 cũng chính là CEO của Leflair “cũ”. Đây là doanh nghiệp từng được rót tổng vốn đầu tư 12 triệu USD, tạo niềm tin về một địa chỉ mua hàng hiệu chính hãng với nhóm khách hàng trung lưu. Trong 4 năm kinh doanh (2016-2019), sàn bán lẻ này đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD và duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường TMĐT Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 5/2020, Leflair phải ngậm ngùi đệ đơn phá sản.

Leflair từng được xem là một trong 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam – Nguồn: Leflair

Theo đánh giá từ các chuyên gia, trong quá trình kinh doanh, nhà khai thác của Leflair trước đây khá bạo tay trong việc đầu tư, chi tiền cho việc làm hình ảnh và nội dung cho trang web. Họ đã xây dựng một đội ngũ nhân sự hùng hậu chuyên chụp ảnh sản phẩm, tạo các concept không đụng hàng cho các chiến dịch Flash Sale (hình thức thúc đẩy tiêu dùng chớp nhoáng với mức giảm giá cực kỳ ưu đãi) khá mạnh tay và cũng được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nói về Leflair hiện tại, ông Loïc Gautier nhấn mạnh: “Leflair Group hôm nay không chỉ là một nền tảng TMĐT độc lập, mà hướng tới trở thành một hệ sinh thái gồm các công ty trong chuỗi giá trị bán lẻ và TMĐT, từ các công ty phân phối đến các nền tảng TMĐT”.

Theo ông Loïc, câu chuyện “đốt tiền” sẽ không còn được áp dụng nữa. Leflair Group đặt ra mục tiêu tập hợp các công ty trong 5 ngành dọc để tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, trở thành tập đoàn không chỉ lớn mà còn bền vững.

Bán các sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, song ông Loïc cho biết hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu là tầng lớp thượng trung lưu mới nổi (Upper Medium Class) thay vì thượng lưu.

“Tôi không nghĩ chúng tôi giỏi nhất trong việc phục vụ phân khúc Luxury (xa xỉ) hay Mass (phân khúc sản phẩm phổ thông). Chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều tay chơi cừ khôi ngoài kia đang phục vụ 2 phân khúc đó. Thế mạnh của chúng tôi là các sản phẩm mang thương hiệu quốc tế trong lĩnh vực Lifestyle, thời trang, mỹ phẩm…”, CEO Leflair chia sẻ.

Sức ép trước các “ông lớn” Shopee, Lazada, Tiki…?

Nói về các sàn TMĐT đình đám hiện nay như Shopee, Lazada, Tiki… ông Loïc đánh giá đây là những nền tảng tuyệt vời. CEO Leflair cho rằng các nền tảng TMĐT này đang làm tốt nhất trong việc đáp ứng nhu cầu của số lượng người dùng lớn nhất.

“Nhưng dù là một công ty hay nền tảng tuyệt vời thì không có nghĩa là có thể phục vụ 100% nhu cầu của tất cả khách hàng trong thị trường này. Tôi tin rằng hiện vẫn còn chỗ trống cho những tay chơi khác phục vụ các loại nhu cầu khác nhau của khách hàng, ví như nhu cầu ở các thương hiệu quốc tế.

Những thương hiệu quốc tế đắt hơn một chút, đòi hỏi bán sản phẩm theo cách hơi khác, mà các nền tảng TMĐT khác có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho khách hàng mua những hàng hóa đó vì nhiều lý do. Có thể xuất phát từ bản chất của mô hình kinh doanh khó đảm bảo tính xác thực, có thể đơn giản là một nền tảng tốt ở một số yếu tố nhất định nhưng không tốt ở một số yếu tố khác”, ông Loïc phân tích.

Ông Loïc cho rằng những nền tảng tuyệt vời không có nghĩa có thể phục vụ 100% nhu cầu của tất cả khách hàng – Nguồn: NVCC

Cho rằng câu chuyện ngày càng nhiều thị phần tập trung vào một số ít công ty sẽ thay đổi, ông Loïc quan tâm đến việc mua lại các nhà phân phối, từ đó kiểm soát chuỗi cung ứng liên quan đến thương hiệu mà họ mang theo.

“Chúng tôi sẽ rất vui khi làm việc với các nhà cung ứng, bao gồm cả các nền tảng TMĐT khác và bán các hàng hóa hay kết nối một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng khép kín – tương tự cách chúng tôi hợp tác với Tiki trong phần giao nhận hàng hoá để tối đa hoá chất lượng dịch vụ chung và chia sẻ lợi nhuận. Bởi, chúng tôi là những mô hình kinh doanh khác nhau và có thể bổ sung cho nhau để phục vụ nhu cầu của khách hàng trên thị trường”, ông Loïc nói.

CEO Leflair cho biết, hiện doanh nghiệp đang trong quá trình gọi vốn pre-IPO. Nguồn vốn huy động được dự kiến sử dụng để M&A các công ty, tích hợp vào hệ sinh thái của Leflair Group.

“Lý do chọn mô hình doanh nghiệp dựa trên M&A là vì chúng tôi muốn sử dụng định giá cũng như số tiền có được để M&A doanh nghiệp, cho phép các Founders ở các quốc gia như Việt Nam có thể exit (rút lui) doanh nghiệp, như một phần thưởng cho những người sáng lập cũng như cho các cổ đông. Để exit doanh nghiệp vốn rất khó, cơ hội như vậy không nhiều. Vì vậy chúng tôi muốn có tác động tích cực lên nền kinh tế cũng như thị trường bằng cách phát hành cổ phiếu, tận dụng thị trường chứng khoán Mỹ để hỗ trợ các Founders exit, cũng như hợp nhất doanh nghiệp họ vào hệ sinh thái bán lẻ của chúng tôi”, ông Loïc giải thích.

Ông Loïc đồng thời cho biết, cuối năm nay Leflair sẽ IPO trên sàn chứng khoán Nasdaq. Hồ sơ IPO sẽ  được doanh nghiệp nộp trong vài tháng tới.

Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục