Học phân ban ở bậc THPT: Không phải lo thế giới không công nhận bằng cấp!

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Chương trình phổ thông 2018 đã tương thích với chương trình quốc tế nên không lo việc các nước không công nhận bằng cấp.

Hiện nay, các Trường THPT công lập tổ chức nhập học và yêu cầu phụ huynh học sinh đăng ký chọn lớp theo Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH).

Như Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) thì trường này đã chủ động xây dựng có 6 lớp theo KHTN và 9 lớp KHXH.

Trong khi đó, tại Trường THPT Việt Đức cho học sinh tự chọn phân ban KHTN và KHXH sau đó mới tổ chức thành các lớp học.

Việc học phân ban từ lớp 10 sẽ không ảnh hưởng đến việc các nước công nhận bằng THPT.

Đặc biệt, trong năm học này, các lớp quốc tế, tiếng Đức, Hàn, Nhật… đều được định hướng theo ban KHXH.

Đứng trước những lựa chọn trên, hiện nhiều phụ huynh đang phân vân. “Không biết, học xong phổ thông rồi thì với bằng học phân ban như vậy ra nước ngoài có được học theo các ngành yêu thích không.

Giờ cho con học tiếng Đức sau cho con học nghề ở Đức nhưng lại học ban KHXH liệu có được không?” – chị Nguyễn Thu Trang có con đăng ký học lớp 10 ở Trường THPT Việt Đức phân vân.

Thực tế, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc cho con theo học kiểu phân ban thì bằng cấp nước ngoài họ có công nhận không và việc công nhận đó như thế nào. “Học ban KHXH có học Toán và thêm môn Lý thì sau này có được được đi học nghề ở các nước không” – anh Nguyễn Ngọc Minh ở Nam Từ Liêm phân vân.

Trước những câu hỏi của phụ huynh, để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thầy Thuyết, hiện nước ta đã ký văn bản công nhận bằng cấp của mình với các nước. Mặt khác, Chương trình phổ thông 2018 được xây dựng tương thích với chương trình quốc tế của nhiều nước.

“Chương trình này mình học hỏi chương trình của nhiều nước. Cấp THPT học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp” – thầy Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Thuyết thì ở trong nước học sinh theo học định hướng phân ban KHTN hay KHXH thì ra nước ngoài cũng sẽ phải vào các ngành học tương thích.

“Tức khi học trong nước theo KHTN thì đi theo học các ngành KHTN về sau” – thầy Thuyết nói.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chương trình phổ thông 2018 đã tham khảo và theo chương trình quốc tế cho nên không ngại.

“Quan trọng phụ huynh, học sinh chọn hướng nghề nghiệp sau này rồi đăng ký học phân ban.

Phụ huynh phải nhận định cho con theo ngành gì, xem ngành đó nước ngoài họ đòi hỏi học môn gì thì trong nước mình đăng ký cho con học môn đó” – thầy Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia khi được hỏi thì cho rằng tất cả những nước đã ký với Việt Nam hiệp định công nhận bằng cấp lẫn nhau đều công nhận bằng phổ thông của Việt Nam như Trung Quốc, Nga, Cu ba, Ucraina, Áo, Đài Loan…

Ngoài ra, các vị này cho biết, hiện giờ giáo dục theo cơ chế thị trường, nước nào cũng muốn thu hút sinh viên theo học để thu tiền vì thế không lo gì nước ngoài không công nhận.

Trinh Phúc | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục