Người dân ùn ùn đi du lịch, sân bay quá tải, các công ty lữ hành “cháy tour”
Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, người dân cả nước đang tranh thủ những ngày hè để đi “trả thù” du lịch, khiến nhiều sân bay trong tình trạng tắc nghẽn.
Từ cuối tháng 6 cho tới nay, tại các sân bay lớn trong nước như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sân bay Đà Nẵng đều có tình trạng “quá tải” vào cuối tuần.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, chính là việc sau 2 năm dịch bệnh, người dân đang có nhu cầu rất lớn để đi du lịch, khiến cho nhiều sân bay bị tắc nghẽn.
Chị Ánh Tuyết (42 tuổi), vừa trải qua chuyến du lịch nhớ đời tại Đà Nẵng vào đầu tháng 7 vừa qua, cho biết: “Khi về Hà Nội là vào chiều Chủ nhật, số lượng người đến xếp hàng để vào khu vực bên trong rất đông, gia đình chúng tôi gồm 7 người phải chờ hơn 40 phút đồng hồ mới đến lượt. Đó là chưa kể, chuyến bay của chúng tôi bị delay thêm 30 phút nữa”.
Tương tự, gia đình anh Chiến Thắng vừa mới đáp chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội vào chiều 17/7 cho biết, ở cả 2 đầu Tân Sân Nhất và Nội Bài đều có rất đông người xếp hàng để được bay.
Anh Thắng cho rằng: “2 năm hầu như chỉ ở trong nhà và lanh quanh thành phố, thì thời điểm này rất phù hợp để đi “trả thù” du lịch. Thứ nhất, dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, việc đi lại cũng không gặp khó khăn gì. Thứ hai, vào hè, con cái được nghỉ hè, bố mẹ cũng được nghỉ phép, như vậy là phù hợp để đi du lịch”.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Đức Quân, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết: Từ đầu tháng 7 tới nay, số người mua tour du lịch nội địa đã tăng 30% – 50% so với tháng trước. Thậm chí, nhiều người còn đặt tour trước để trong tháng 8 đi du lịch.
Ông Quân cho biết: Hiện nay, các tour du lịch tới các địa phương ven biển được lựa chọn nhiều nhất, như tour đi Nha Trang, Phú Quốc hay Đà Nẵng – Hội An.
“Số lượng du khách đặt tour trong tháng 7 tăng vọt, khiến chúng tôi không bố trí đủ nhân sự để phục vụ. Do đó, bắt buộc phải chia sẻ khách cho công ty khác, hoặc đưa ra lịch trình vào tháng 8, với mức giá tương đương hoặc rẻ hơn để họ lựa chọn”, ông Quân nói.
Trong khi đó, các tour nước ngoài tăng nhẹ khoảng 5% – 10%, đa phần là các nước trong Đông Nam Á, như Malaysia, Singapore hay Thái Lan. Ở chiều ngược lại, số lượng du khách quốc tế cũng đang trở lại Việt Nam rất lớn, trong đó, phần nhiều đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Theo ông Quân, so với tháng trước, giá tour nội địa trong tháng 7 có tăng đôi chút, do giá vé máy bay đang tăng vọt. Đó là chưa kể các chi phí khác như dịch vụ lưu trú, ăn uống, giá thuê xe đưa đón cũng đang tăng.
“Nếu như trong tháng 5, giá tour Hà Nội – Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm chỉ khoảng 2,5 triệu – 3 triệu đồng/người, thì nay đã là 4 triệu đồng/người. Nguyên nhân là giá xăng tăng, giá vé máy bay cũng tăng theo”, ông Quân nói
Doanh nghiệp du lịch phục hồi mạnh mẽ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kể từ ngày thời điểm Chính phủ đồng ý mở cửa du lịch quốc tế (ngày 15/3), khách quốc tế tới Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 602.000 lượt người, tăng gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra đại dịch COVID-19.
Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng: Dù con số chưa thể phục hồi như trước khi đại dịch xuất hiện.
Thế nhưng, sự tăng trưởng này đã đánh dấu sự quay trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện doanh thu và lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch và vận tải du lịch.
Bà Hương cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng.
Cụ thể, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%.
Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.
Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, trong việc đưa nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700- 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%; tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm.
Theo lãnh đạo GSO, Việt Nam phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm.
Thực hiện Chiến lược này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Việt Vũ | Nhà báo & Công luận