Giá xăng giảm mạnh, giá các mặt hàng tiêu dùng có giảm theo?

Giá xăng đã giảm mạnh trong kỳ điều hành chiều 21/7 đưa giá các mặt hàng xăng nhiên liệu trên thị trường về mức 25.000-26.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đây có là cơ hội để nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ giảm giá theo hay không vẫn đang là một dấu hỏi.

Theo chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long việc giảm giá xăng dầu góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đáng kể trong sản xuất và qua đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, “tăng nhanh, giảm chậm” vẫn đang là thực tế. Theo đó, khi giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp thường đẩy giá các mặt hàng tăng theo giá xăng dầu. Nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh, việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như các dịch vụ vận tải thường chậm hơn. Thậm chí giậm chân tại chỗ, tạo mặt bằng giá mới.

Giá xăng giảm mạnh, giá các mặt hàng tiêu dùng có giảm theo vẫn là một dấu hỏi.

TS Ngô Trí Long cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả 3 chủ thể trong nền kinh tế thị trường đó là: công tác quản lý của cơ quan chức năng, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh và bản thân mỗi người tiêu dùng.

Cùng đó, để những nhà sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ giảm giá được quyết định bởi 3 yếu tố gồm: phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh trên thị trường; áp lực của cơ quan nhà nước, yêu cầu kê khai, giám sát và có những lời khuyên biết chia sẻ với lợi ích người tiêu dùng, cơ quan chức năng; bản thân cộng đồng người tiêu dùng phải biết áp dụng biện pháp tẩy chay, lên án.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ hội giảm giá các mặt hàng “ăn theo” giá xăng dầu là rất rõ ràng, nhưng vẫn đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, việc giảm giá xăng dầu dẫn đến giảm giá các mặt hàng khác thì chỉ là tiềm năng chứ không có mối quan hệ trực tiếp. Bởi vì Chính phủ không có biện pháp nào để chuyển những động thái giảm giá xăng dầu vào việc giảm giá các mặt hàng khác. Tất cả đều do thị trường của các doanh nghiệp cung ứng hay là các hộ kinh doanh cung ứng mặt hàng này trên thị trường quyết định.

Rõ ràng đây là điều còn thiếu trong cơ chế quản lý và khai thác những giá trị tích cực của việc giảm giá xăng dầu đối với nền kinh tế. Thực tế đã cho thấy, khi xăng dầu tăng thì rất nhiều mặt hàng nhanh chóng lợi dụng để bù lại chi phí xăng hoặc là tranh thủ té nước theo mưa… và xu hướng này vẫn không hề giảm đi.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, có thể thấy việc giảm sâu giá các mặt hàng xăng dầu trong bối cảnh hiện nay, trong đó có việc đưa giá các mặt hàng xăng về mức 25.000 – 26.000 đồng/lít là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên cũng cần tính toán đến tính 2 mặt của các tác động, nhất là khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang khan hiếm nguồn cung năng lượng, trong đó có xăng dầu.

Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để tiêu dùng năng lượng, nhiên liệu tiết kiệm, trong đó có các mặt hàng xăng dầu, để đạt được cùng lúc các hiệu quả kinh tế – xã hội tạo ra từ mặt hàng chiến lược này.

Tuấn Nguyễn | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục