Khởi nghiệp với nông nghiệp xanh, chàng trai Quảng Ngãi đưa “dưa hấu Tê Tê” lên phố

Vụ thu hoạch năm nay, anh Phạm Hùng Cường - người làm nông nghiệp xanh theo mô hình tuần hoàn đã được hưởng “quả ngọt” từ 10 sào dưa sạch mang thương hiệu “dưa hấu Tê Tê”, có nghĩa: “Người sản xuất thì tử tế”, “Người bán hàng thì tận tâm”, “Người tiêu dùng thì tấm tắc”.

Nông nghiệp tuần hoàn – Tài nguyên bản địa

Anh Phạm Hùng Cường (SN 1989, Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là chủ nhân của một trang trại tổng hợp làm nông nghiệp xanh theo mô hình tuần hoàn tại địa phương. Trang trại của anh Cường đã trải qua 5 năm, bao gồm 17 ha, trong đó có 10 ha chăn nuôi, 7 ha trồng trọt.

Anh Cường chia sẻ, năm 2015, sau khi hoạt động trong lĩnh vực địa chính ở xã, anh Cường được điều chuyển qua làm ở hợp tác xã truyền thống địa phương. Bắt đầu từ đây, anh Cường chính thức bước chân vào làm nông nghiệp. Tới năm 2018, anh quyết định tách ra làm nông nghiệp xanh độc lập.

Anh Phạm Hùng Cường đã được vinh danh tại nhiều cuộc thi.

Trải qua nhiều lần “lên bờ xuống ruộng”, anh Cường rút ra kinh nghiệm: “Nông nghiệp ở mình rất rủi ro, rủi ro về thiên tai, về nhiều thứ khác. Những rủi ro nhiều thế thì mình phải làm để giảm thiểu rủi ro, mà muốn giảm thiểu rủi ro thì phải giảm chi phí đầu tư, vì vậy phải tận dụng những gì mình có, hốt tất cả những gì mình cần, trong đó có rác”.

Anh Cường chia sẻ: “Bản chất của “Nông nghiệp tuần hoàn – Tài nguyên bản địa” là tận dụng tất cả những gì mình có trong tay, ví dụ như: họ thu hoạch đậu xong, họ chỉ lấy quả, còn tất cả bỏ. Còn mình thì tận dụng cây để làm lớp phủ, phân xanh. Cỏ thì phơi khô, sau đó che phủ lại và cũng làm phân bón. Nói chung là tất tần tật, không bỏ sót cái gì”.

Theo anh Cường, làm nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng tài nguyên bản địa vừa giảm chi phí đầu tư, vừa nâng cao chất lượng và không cần dùng đến các loại hoá chất độc hại. “Muốn có được sản phẩm tốt thì phải chờ đợi, thu nhập có thể là số 0 nhưng sự tử tế vẫn luôn trọn vẹn”, anh Cường nói.

Năm 2019, mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ của anh Cường đã được vinh danh tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2021 dự án “Đổi rác lấy rau” được lọt vào vòng chung kết trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp toàn quốc về nông nghiệp phát triển bền vững”.

Đưa thương hiệu “dưa hấu Tê Tê” lên phố

Là một người con của nhà nông, khi tận mắt thấy những người nông dân ở vùng Quảng Ngãi, đặc biệt là bố mẹ mình thất bại trong những mùa vụ dưa ế ẩm, mang mác “giải cứu” hàng loạt, thậm chí cho trâu bò ăn. Anh Cường đã bắt tay vào tính toán, nghiên cứu trồng dưa hữu cơ, tự chế phân bón vi sinh, áp dụng công nghệ vào sản xuất…

Bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, phân dinh dưỡng được cung cấp ở bể thông qua máy bơm, được điều khiển bằng điện thoại, bật tắt theo dõi mọi nơi… Những quả “dưa hấu Tê Tê” sạch được anh Cường cho ra đời.

10 sào dưa hấu Tê Tê được anh Cường sản xuất theo phương thức hữu cơ.

Theo anh Cường, “dưa hấu Tê Tê” có nghĩa là “Người sản xuất thì tử tế”, “Người bán hàng thì tận tâm”, “Người tiêu dùng thì tấm tắc”. Thương hiệu ý nghĩa này đã được anh Cường lên ý tưởng từ hai năm trước và trải qua tới 2 – 3 mùa vụ nghiên cứu, trồng thử nghiệm thất bại. Vụ thu hoạch năm nay, anh Cường đã được hưởng “quả ngọt” từ 10 sào dưa hấu sạch với hơn 8 tấn dưa thành phẩm.

Với thương hiệu “dưa hấu Tê Tê” riêng biệt, anh Cường cho hay: “Sản xuất để tạo nên sản phẩm chất lượng là sản xuất để người ta “ăn để sống chứ không phải ăn để no” như trước. Việc quảng bá cũng rất quan trọng để người dùng có thể tiếp cận được sản phẩm. Sau đó cần phải biết định giá bán hàng để thương hiệu được ưa chuộng hơn”.

Những quả dưa hấu Tê Tê hữu cơ đã được xuất ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có những thị trường lớn và tiềm năng như: Quảng Ngãi, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Hiện tại, anh Cường đang mở rộng lên 15 sào dưa hấu Tê Tê để cung ứng cho thị trường trong thời gian tới. Trong tương lai, anh Cường tiếp tục mở rộng thêm sản xuất dưa, đi kèm đó là việc xây dựng và quảng bá thương hiệu dưa hữu cơ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Lê Trang | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục