GS Nguyễn Đình Đức: Về cơ bản, điểm chuẩn Đại học năm nay vẫn cao như năm ngoái

Theo GS Nguyễn Đình Đức, về cơ bản điểm chuẩn vẫn cao như năm ngoái, chỉ có 1 số điều chỉnh nhỏ và tổ hợp khoa học xã hội và nhân văn, có khi còn tăng cao hơn.

Hiện nay đã có hơn 20 trường đại học công bố điểm sàn. Điều dễ gây hiểu nhầm cho phụ huynh và các thí sinh đó là mức điểm sàn lại rất thấp. Đơn cử như Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh: Điểm sàn dao động từ 14-16 điểm;

Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh: Đối với bậc đại học chính quy chương trình đại trà, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho tất cả các ngành (không áp dụng đối với ngành Dược học) là 19 điểm;

Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm sàn xét tuyển tối thiểu là 20 điểm.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng điểm chuẩn đại học ở khối KHXH và NV sẽ cao hơn năm ngoái.

Với mức điểm sàn như trên nhiều người thường nghĩ ngay năm nay điểm trúng tuyển đại học sẽ thấp. Tuy nhiên theo các chuyên gia đánh giá thì điều này không thể xảy ra.

Theo GS Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Việc một số người nhận định năm nay đề khó hơn, điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn là nhầm”.

“Trên thực tế Bộ đã điều chỉnh để tránh mưa điểm 10, sẽ khó có chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái. Nhưng nhìn vào những con số thống kê cụ thể, thấy rằng điểm kết quả thi THPT năm nay vẫn cao.

Về cơ bản điểm chuẩn vẫn cao như năm ngoái, chỉ có 1 số điều chỉnh nhỏ và tổ hợp khoa học xã hội và nhân văn, có khi còn tăng cao hơn năm ngoái” – thầy Nguyễn Đình Đức nhận định.

Riêng với điểm chuẩn của Đại học Quốc gia thầy Nguyễn Đình Đức nhận định, tùy theo ngành, trừ một số ngành khó tuyển-thường điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn phổ biến từ 3 đến 8 điểm.

Theo thống kê của nhà khoa học này, môn Toán số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 214717/982728, đạt 21,8%, trong khi năm ngoái, tỷ lệ này là 25,8%. Nhưng môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên là 414969/981407, đạt 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%.

Ở môn Vật lý, số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 74045/325525, đạt 22,74%, khá cao hơn so với năm ngoái, tỷ lệ này là 18,3%.

Môn Hóa học, số bài từ 8 điểm trở lên có sự tăng nhẹ, 91246/327370, đạt 27,8%, trong khi năm ngoái là 24,9%.

Môn Lịch sử, năm 2021 chỉ có 266 điểm 10 và số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay có tới 1779 điểm 10 và tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 119601/659.667, đạt 18,1%.

Môn Giáo dục Công dân, số bài đạt điểm 8 trở lên đạt 61,85%, năm ngoái là 71,5%.

Môn tiếng Anh năm nay đã có sự điều chỉnh rõ rệt so với năm ngoái. Nếu năm ngoái tỷ lệ bài đạt 8 điểm trở lên là 18,3% thì năm nay, tỷ lệ này là 11,9%.

Với phổ điểm có tỷ lệ giỏi cao như vậy của kỳ thi THPT, dễ hiểu tại sao ngày càng nhiều trường đại học, nhất là các trường lớn, uy tín, phải tổ chức các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn thí sinh có chất lượng tốt cho mình.

“Sử dụng kết quả thi THPT với phổ điểm như 3 năm liên tục từ 2020 đến nay để xét tuyển vào đại học chỉ là một giải pháp tình thế.

Môn Văn năm nay là môn có ”vấn đề” nhất vẫn hơn 42% thí sinh đạt điểm 7 (với Văn, 7 là điểm giỏi rồi), như vậy có thể hiểu cứ khoảng 2 em có 1 em giỏi Văn. Đề Văn quá dễ!

Môn Văn cũng là môn có độ lệch giữa điểm học bạ so với kết quả THPT lớn nhất. Đã thế, có lớp lại có đến 90% điểm Văn thi THPT đạt loại giỏi ? Như vậy, tổ hợp có cả môn Văn và Sử sẽ có điểm rất cao, và chất lượng đầu vào với tổ hợp này, tôi cho là rất đáng để suy ngẫm” – thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Cũng theo GS Nguyễn Đình Đức: “Năm nay sẽ có 1 số điều chỉnh nhỏ giảm với tổ hợp Toán, Tiếng Anh thôi. Còn điểm THPT tổ hợp các môn khoa học xã hội và nhân văn vẫn cao. Có khi còn cao hơn năm ngoái’.

Cuối cùng vị này nêu ý kiến, qua kết quả học bạ và thi tốt nghiệp phổ thông, rõ ràng cần lắm việc tích cực triển khai hiệu quả chỉ đạo học thật, thi thật, nhân tài thật của Thủ tướng Chính phủ.

Trinh Phúc | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục