Gánh nặng của công nhân may tại TP.HCM, dù giá thuê nhà trọ chỉ 800.000 đồng/tháng

Bình quân giá thuê nhà của công nhân lao động tại TP.HCM dao động khoảng 800.000 - 1,5 triệu đồng/tháng, dù không quá cao, nhưng chiếm tới 20% tổng thu nhập, nhất là công nhân may

Gánh nặng của công nhân lao động có thu nhập thấp

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), toàn thành phố hiện có hơn 120.000 công chức, viên chức, nhưng mới chỉ có 5.000 cán bộ được vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm, tức là mới chỉ được 1/24 số người có nhu cầu.

Đó là chưa kể, TP.HCM có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động, người có thu nhập thấp cũng đang có nhu cầu rất lớn để mua nhà ở. Điều này cho thấy rằng, số lượng người “đủ tiêu chuẩn” tiếp cận được vốn vay mua nhà ưu đãi là rất thấp.

Bình quân giá thuê nhà của công nhân lao động tại TP.HCM dao động khoảng 800.000 – 1,5 triệu đồng/tháng, dù không quá cao, nhưng chiếm tới 20% tổng thu nhập, nhất là công nhân may

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: TP.HCM có hơn 60.000 nhà trọ cá nhân, với khoảng 560.000 phòng trọ, giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu người lao động thuê. Mức giá thuê dao động từ 800.000 đồng – 1,5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Châu, có thể nhìn nhận mức thuê này không phải là quá cao, nhưng đối với nhiều người lao động, thì đây lại là gánh nặng. Trong đó, một số ngành như dệt may, mức thuê 800.000 – 1,5 triệu đồng/tháng đã chiếm 20% tổng thu nhập của họ.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Châu trích dẫn số liệu của Liên đoàn lao động TP.HCM. Theo đó, công nhân ngành may mặc thu nhập bình quân khoảng 6,8 triệu đồng/tháng.

Trong đó, 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, 40% có thu nhập 5 – 8 triệu đồng/tháng, 16% có thu nhập 8 – 12 đồng/tháng và chỉ có khoảng 3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng.

Báo cáo này cũng cho thấy, có đến 41% công nhân lao động cho biết không đủ sống, 15,8% cho biết vừa đủ sống, 22,3% cho biết có dư chút ít và có 21,9% cho biết có dư khá.

“Như vậy, có đến khoảng 56,8% công nhân lao động có thu nhập rất thấp và trên 60% công nhân lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, phòng trọ để sau một thời gian 10 – 15 năm làm việc có tích lũy rồi trở về quê”, ông Châu nói.

TP.HCM đạt kết quả 75% xây dựng nhà ở xã hội, liệu có đủ? Trước nhu cầu khổng lồ về nhà ở, Chính phủ, TP.HCM đã có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để tăng nguồn cung phân khúc này. Trên thực tế, trong giai đoạn phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011 – 2020, cả nước mới chỉ đạt 41% chỉ tiêu, thì riêng TP.HCM đã phát triển được 15.000 căn hộ xã hội, đạt 75% kế hoạch.

Thế nhưng, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, như vậy là chưa đủ. Bởi cơ chế, chính sách dù đã có, nhưng việc tiếp cận các cơ chế ưu đãi này không phải điều dễ dàng. Đơn cử như chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội hiện nay chưa thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi, với lãi suất 4,8%/năm.

Trước nhu cầu khổng lồ về nhà ở, Chính phủ, TP.HCM đã có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để tăng nguồn cung phân khúc này

Hoặc, dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất, bao gồm các khoản thuế như: Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014 và tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, thì các khoản thuế này được giảm 70%, nhưng Tổng cục Thuế đã có Văn bản số 4216/TCT-TTHT ngày 17/10/2019 trả lời chỉ cho giảm 50% thuế suất”, ông Châu nói.

Bên cạnh đó, quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Do đó, ông Châu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Đơn cử, ông Châu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Đồng thời, Chủ tịch HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỷ đồng, trước hết là hỗ trợ 2 tháng tiền thuê nhà cho công nhân lao động. Nhưng một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng sẽ có thể bị “ế” do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nên Hiệp hội đề nghị bổ sung đối tượng chủ nhà trọ được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê.

Ông Châu cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 20, cho phép một số ngân hàng cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Bởi lẽ, theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-NHNN thì cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng lại phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trong 12 tháng mới đủ điều kiện vay ưu đãi nhà ở xã hội.

Để được giảm 2% lãi suất vay theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, ông Châu đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và thực hiện đấu thầu các khu đất công được quy hoạch làm nhà ở xã hội.

“Theo các quy định pháp luật hiện hành thì TP.HCM đang xây dựng quy trình thủ tục đấu thầu dự án nhà ở xã hội để lựa chọn chủ đầu tư dù rất nỗ lực để có thể rút ngắn phân nửa thời gian so với trước đây nhưng cũng phải mất đến hơn 200 ngày”, ông Châu nhấn mạnh.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục