Mặc kệ tháng “cô hồn”, chị em hứng thú săn đồ thời trang giảm giá
Để kích cầu tiêu dùng trong tháng 7 âm lịch, nhiều cửa hàng thời trang tại Hà Nội tung chiêu giảm giá kịch sàn. Bỏ qua tâm lý kiêng mua sắm vào tháng “cô hồn”, chị em được dịp mua sắm với giá ưu đãi.
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm là tháng của ma quỷ, thường xảy ra nhiều chuyện xui xẻo, mất mát. Trong tháng này, người ta thường kiêng việc xây nhà, cưới hỏi, mua sắm,…để tránh rước vận đen vào nhà.
Đối với các thương hiệu, cửa hàng thời trang, đây được mặc định là tháng ế ẩm nhất trong năm do tâm lý kiêng mua sắm của người dân. Vì thế, nhiều thương hiệu, cửa hàng thời trang đã tung ra hàng loạt các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn nhằm đánh vào tâm lý thích săn hàng giảm giá của chị em.
Theo khảo sát của PV trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều cửa hàng quần áo thời trang trên đường Cầu Giấy, Chùa Láng, Chùa Bộc, Tây Sơn…đều treo biển khuyến mại, giảm giá sâu, hấp dẫn như “xả hàng toàn bộ lên đến 70%”, “tháng cô hồn – Giảm giá hết hồn”, “xả toàn bộ cửa hàng”, “mua 1 tặng 1”,…
Một số cửa hàng thời trang khác cũng đưa ra nhiều mức giá hấp dẫn cho người tiêu dùng lựa chọn với giá 69.000 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng,…
Theo đó, trong những ngày giảm giá, hầu hết các cửa hàng thời trang này đều chật kín khách, chen chúc nhau mua hàng. Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng mạnh tay áp dụng giảm giá để thu hút khách hàng. Theo đó, thương hiệu thời trang Canifa đang tổ chức chương trình giảm giá lên tới 50%, thương hiệu Elly, Genviet Jeans, Yody,… giảm giá lên tới 50% tất cả mặt hàng
Chuỗi bán lẻ thời trang Tokyolife giảm 70% quần áo nam nữ, trẻ em; giảm 50% – 70% túi xách, giày thể thao, đồ bơi, phụ kiện cùng với nhiều quà tặng ưu đãi khác.
Theo anh Nghĩa, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng thời trang trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy) cho biết, nhờ việc giảm giá mạnh tay, số lượng quần áo tiêu thụ trong tháng 7 âm lịch tại cửa hàng anh tăng lên 80% so với các tháng trước “Nhiều hàng tồn, lỗi mốt, nhất là hàng mùa hè được giảm giá mạnh nhất. Nhất là khi chuẩn bị sang thu đông, hàng mùa hè cần được tiêu thụ mạnh để tránh việc tồn kho. Điều này vừa giúp người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu vừa giúp cửa hàng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá hơn” – anh Nghĩa chia sẻ.
Chị Kiều Trinh (Đống Đa, Hà Nội) tranh thủ mua sắm ngay sau khi đưa con đi học thêm. Theo quan điểm của chị, tháng “cô hồn” chỉ nên kiêng xây nhà, mua xe, còn quần áo thì không chịu nhiều ảnh hưởng.
“Chỉ có vào tháng 7 âm lịch và cuối năm thì mới có dịp cửa hàng xả nhiều đồ như vậy. Thay vì tôi phải tốn tiền triệu cho mỗi lần sắm sửa thì trong đợt này, chỉ cần vài trăm đã có thể chi tiêu vừa đủ” – chị Trinh cho biết.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Thanh cùng đồng nghiệp đi mua sắm tại một thương hiệu thời trang lớn. “Ở đây họ giảm giá tới 70% tất cả các mặt hàng, tương đương với giá của các shop quần áo bình thường mà chất lượng thì rất tốt. Nhiều bộ quần áo trước đây tôi không dám mua thì giờ đã có thể thoải mái mua sắm” – chị nói.
Ngoài mua trực tiếp tại cửa hàng, nhiều người cũng tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Với tính năng tiện dụng, tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng chỉ cần gõ từ khóa là có thể ra hàng loạt kết quả khác nhau.
Bằng cách livestream bán hàng trên mạng, chị Hà Xuân, chủ cửa hàng thời trang tại Chùa Bộc (Đống Đa) khẳng định, doanh thu bán hàng trực tuyến cao gấp nhiều lần bán hàng trực tiếp dù cùng “chạy” một chương trình khuyến mãi như nhau.
“Vừa kết hợp chạy chương trình giảm giá trực tiếp tại cửa hàng, vừa bán trên mạng giúp cửa hàng tôi đặt doanh thu tháng 7 âm lịch vượt dự kiến. Đây là một tín hiệu vui cho các cửa hàng thời trang vì nhiều chị em đã bỏ quan niệm kiêng mua sắm vào tháng ‘cô hồn’ “ – chị Xuân cho biết.
Bài và ảnh: Nguyễn Linh | Nhà báo & Công luận