Doanh nghiệp cần có kịch bản ứng phó với biến động tỷ giá

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động có kịch bản ứng phó với biến động của tỷ giá theo các đồng tiền, thích ứng với từng thị trường xuất, nhập khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá có thể xảy ra khi giao thương quốc tế.

Tỷ giá có thể ảnh hưởng khả năng xuất khẩu trong thời gian tới

Từ đầu năm nay, thị trường quốc tế diễn biến phức tạp với nhiều biến động khó lường khi căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế – tài chính toàn cầu.

Cùng đó, ngân hàng trung ương các nước cũng đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát áp lực lạm phát tăng cao kỷ lục trên toàn cầu và thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh. Những diễn biến này ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tỷ giá đồng Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, tỷ giá Việt Nam có thể ảnh hưởng khả năng xuất khẩu trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ tuy gặp nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá.

Thời gian qua, nền tảng kinh tế vĩ mô đã có nhiều hỗ trợ tích cực với điều hành tỷ giá của Việt Nam. Đáng chú ý nhất là kết quả thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn thực hiện trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 10 tỷ USD, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019, tức là trước giai đoạn dịch COVID-19.

Mức giải ngân tích cực này không chỉ ổn định cung ngoại tệ, mà còn thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với đà phục hồi kinh tế của nước ta.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, tỷ giá trung tâm ổn định trong 6 tháng đầu năm cho thấy điều hành tiền tệ rất linh hoạt.

Nhưng 6 tháng cuối năm ngoái, tỷ giá ở các ngân hàng thương mại giảm, sang đến 6 tháng đầu năm nay đã điều chỉnh tăng, và ở thị trường tự do tăng nhanh, chênh lệch tỷ giá ngân hàng thương mại với thị trường tự do khoảng 600 – 700 đồng.

Ông Nguyễn Anh Dương nhận định, đối với xuất, nhập khẩu, điểm tích cực là duy trì thặng dư thương mại dù có sức ép tỷ giá. Trong thời gian tới, tỷ giá Việt Nam có thể ảnh hưởng khả năng xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần có kịch bản thích ứng với từng thị trường xuất, nhập khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, thách thức xuất, nhập khẩu 6 tháng cuối năm là làm thế nào duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa trong khu vực.

Các doanh nghiệp cần có kịch bản thích ứng với từng thị trường xuất, nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm. Đặc biệt, tỷ giá tăng mạnh trong tháng 6 là do FED tăng lãi suất. Tỷ giá của tiền đồng tăng có lợi cho xuất khẩu và xuất khẩu là một trong những cột trụ quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Thế nhưng, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá nhập khẩu và cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát từ các nước xuất khẩu hàng sang Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, trong giai đoạn ngắn hạn, đồng Việt Nam đang có xu hướng mất giá so với USD nhưng lại mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như: yen
Nhật, euro,…

Do đó, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng USD sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do chênh lệch tỷ giá. Ngược lại, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng đồng euro hay đồng yen, thời gian tới có thể tăng lợi nhuận tài chính do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản sẽ chịu bất lợi, bởi thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực điều hành đồng bộ thanh khoản đồng Việt Nam, hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất. Theo đó, tỷ giá sẽ được giữ ở mức độ phù hợp, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nhất quán của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần chủ động có kịch bản ứng phó với biến động của tỷ giá theo các đồng tiền, thích ứng với từng thị trường xuất, nhập khẩu. Đó là giải pháp tích cực và hiệu quả để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tỷ giá có thể xảy ra, khi giao thương quốc tế những tháng cuối năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp và khó lường.

Tuấn Nguyễn | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục