Bánh trung thu mini ‘siêu rẻ’ chỉ 2.000 đồng/cái: Chuyên gia cảnh báo

Với mức giá rẻ đến khó tin, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng dòng bánh này được làm từ thực phẩm "rác". Thay vì ham rẻ, người dân nên mua bánh ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Từ giữa tháng 7 âm lịch, thị trường bánh trung thu trở nên sôi động khi nhiều sạp bánh mọc lên tại các tuyến đường ở TP. HCM. Đáng chú ý, năm nay xuất hiện một số loại bánh trung thu dẻo mini xuất xứ từ Trung Quốc với giá siêu rẻ chỉ 2.000- 5.000 đồng/cái được bán trôi nổi trên các mạng xã hội từ Facebook, Zalo đến TikTok lẫn các sàn thương mại điện tử.

Loại bánh trung thu giá rẻ được bán trên sàn thương mại điện tử với hàng nghìn lượt mua – Nguồn: Chụp màn hình

Loại bánh này được người dân ưa chuộng khi chỉ với hơn 100.000 đồng đã có thể mua đến hàng chục cái với mùi vị khác nhau. Điều này khiến giới chuyên gia vô cùng lo ngại, bởi để làm ra một chiếc bánh trung thu cần rất nhiều nguyên liệu như bột mì, trứng, sữa, các loại hạt…

Dòng bánh mini này xuất hiện trước ở Hà Nội, sau đó được bán tràn lan tại TP. HCM. Bà Nguyệt (quận Gò Vấp, TP. HCM) khoe đã bán lượng lớn bánh trung thu mini Trung Quốc ra thị trường với giá 80.000 – 105.000 đồng/kg (khoảng 25 cái), trung bình khoảng 3.000 – 5.000 đồng/cái. Người bán còn cho biết bánh được nhập từ Hà Nội vào hơn cả tháng rồi, nhưng vẫn có thể để được 2 tháng nữa.

TS. Nguyễn Văn Chung, nguyên Trưởng Khoa dinh dưỡng và ẩm thực Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. HCM cho rằng, với mức vốn phải bỏ ra, các doanh nghiệp khó có thể sản xuất bánh chỉ với giá 2.000-5.000 đồng/cái. Dù hiện tại chưa thể khẳng định bánh trung thu có giá như trên độc hại hay không, song ông Chung cho rằng có thể bánh này không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thay vì ham bánh trung thu siêu rẻ, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên mua bánh Trung thu ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu. Còn hàng nhập khẩu phải có nguồn gốc qua hóa đơn, tờ khai nhập khẩu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Có như vậy mới tránh được các tác hại, rủi ro không mong muốn.

Một chuyên gia trong ngành thực phẩm tại TP. HCM cũng cho biết, đối với bánh trung thu “nhà làm” như dòng bánh tươi, bánh dẻo thường có hạn sử dụng ngắn (khoảng 4 – 10 ngày). Đối với bánh dẻo, nướng được sản xuất kiểu công nghiệp, phần lớn hạn dùng từ 1 – 1,5 tháng. Vì thế, người mua nên cẩn trọng với loại bánh dẻo có hạn sử dụng đến nhiều tháng liền như quảng cáo.

Ngoài ra, với mức giá rẻ đến khó tin như vậy, nhiều khả năng bánh được làm từ thực phẩm “rác”. Đó là thực phẩm lưu cữu lâu ngày để trong các tủ lạnh với nhiệt độ đến -20 hoặc -30 độ C, đã hết hạn sử dụng có giá thành rất rẻ.

Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bánh trung thu, trong đó quy định các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật.

Các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này.

Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục